Sau phiên khởi sắc đầu tuần, cũng là phiên đầu tiên của quý II, phố Wall đã hạ nhiệt trở lại trong phiên thứ Ba, trong đó Dow Jones quay đầu giảm điểm do chịu ảnh hưởng từ đà lao dốc của cổ phiếu dược phẩm theo đà lao dốc của Walgreen Boots Alliance Inc và dữ liệu kinh tế mới làm giảm bớt tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư trong phiên trước đó.
Cụ thể, cổ phiếu Walgreen giảm tới 12,8% sau khi chuỗi nhà thuốc này cắt giảm tăng trưởng lợi nhuận 2019 và báo cáo lợi nhuận quý thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích. Đà giảm của Walgreen kéo theo nhiều cổ phiếu dược phẩm khác giảm như cổ phiếu của đối thủ CVS Health Corp giảm 3,8%. Cổ phiếu của các nhà bán buôn thuốc AmerisourceBergen Corp, Cardinal Health Inc và McKesson Corp cũng trượt dốc.
Ngoài ra, dữ liệu cho thấy các đơn đặt hàng mới cho hàng hóa chủ chốt do Mỹ sản xuất đã giảm trong tháng 2 và các lô hàng không thay đổi, đã làm giảm bớt tâm lý nhà đầu tư sau dữ liệu PMI tháng 3 tích cực được công bố trước đó.
Cụ thể, đơn đặt hàng cho hàng hóa, trừ máy bay, một yếu tố đại diện cho kế hoạch chi tiêu kinh doanh trong tháng 2 của Mỹ giảm 0,1%, trong khi theo dự báo của giới phân tích là không thay đổi.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng phản ứng thận trọng chuẩn bị cho mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên của năm 2019 với dự báo sẽ có quý giảm lợi nhuận đầu tiên kể từ năm 2016 với mức giảm theo dự báo là 2%.
Kết thúc phiên 2/4, chỉ số Dow Jones giảm 79,29 điểm (-0,30%), xuống 26.179,13 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,05 điểm (+0,00%), lên 2.867,24 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 19,78 điểm (+0,25%), lên 7.848,69 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục duy trì đà tăng đồng loạt trên các thị trường chính khi dữ liệu PMI tháng 3 của Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ thị trường. Trong đó, chứng khoán Anh tăng mạnh nhất khi sự không chắc chắn của tiến trình Brexit khiến đồng bảng Anh sụt giảm, qua đó hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu xuất khẩu.
Kết thúc phiên 2/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 73,74 điểm (+1,01%), lên 7.391,12 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 72,80 điểm (+0,62%), lên 11.754,79 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 17,95 điểm (+0,33%), lên 5.423,47 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh nhẹ trở lại khi đà tăng của nhóm cổ phiếu tài chính, phản ứng tích cực với phiên giao dịch tối hôm trước với phố Wall bị ngăn cản bởi đà giảm mạnh của nhóm cổ phiếu phòng thủ do áp lực chốt lời sau khi Nikkei 225 tiến tới mức kháng cự 21.860 điểm. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với chỉ số PMI tháng 3 của Trung Quốc và tiến triển của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Kết thúc phiên 2/4, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 3,72 điểm (-0,02%), xuống 21.505,31 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,46 điểm (+0,20%), lên 3.178,82 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 62,65 điểm (+0,21%), lên 29.624,67 điểm.
Giá vàng hồi phục trở lại từ mức thấp nhất 3 tuần nhờ lực cầu bắt đáy, tuy nhiên đà tăng bị hạn chế do đồng USD đang ở mức cao nhất 3 tháng.
Kết thúc phiên 2/4, giá vàng giao ngay tăng 4,8 USD (+0,37%), lên 1.292,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 1,6 USD (+0,12%), lên 1.290,0 USD/ounce.
Giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng và tiến lên mức cao nhất năm 2019 mới trong phiên thứ Ba khi giới đầu tư kỳ vọng lệnh trừng phạt Iran và gián đoạn sản xuất của Venezuela sẽ làm giảm nguồn cung, trong khi các dữ liệu kinh tế mới của Mỹ và Trung Quốc lại tích cực, làm giảm nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Giá dầu thô Mỹ có lúc lên 62,75 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 7/11/2018 và giá dầu thô Brent có lúc đã lên mức 69,52 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 13/11/2018 trước khi hạ nhiệt nhẹ lúc cuối phiên.
Kết thúc phiên 2/4, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,99 USD (+1,61%), lên 62,58 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,36 USD (+0,52%), lên 69,37 USD/thùng.