Trong phiên đầu tuần, sau khi Trung Quốc tuyên bố tăng thuế với 60 tỷ USD hàng hóa nhập từ Mỹ kể từ 1/6 để trả đũa việc Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10/5, giới đầu tư đã hoảng loạn bán tháo, đẩy phố Wall lao dốc mạnh.
Tuy nhiên, trong phiên thứ Ba, các chỉ số chính của phố Wall đã hồi phục mạnh mẽ, lấy lại được gần phân nửa những gì đã mất trong phiên đầu tuần.
Phố Wall hồi phục trở lại sau khi ông Trump cho biết, việc 2 nước đánh thuế lẫn nhau vừa qua chỉ là những bất đồng nhỏ và 2 bên vẫn có các cuộc đối thoái tốt.
Tương tự, Bắc Kinh cũng xác nhận, Trung Quốc và Mỹ đã đồng ý tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán trong thời gian tới để chấm dứt cuộc chiến thương mại.
Kết thúc phiên 14/5, chỉ số Dow Jones tăng 207,06 điểm (+0,82%), lên 25.532,05 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 22,54 điểm (+0,80%), lên 2.834,41 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 87,47 điểm (+1,14%), lên 7.734,49 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng hồi phục mạnh trở lại, lấy lại được gần hết những gì đã mất trong phiên trước đó khi hy vọng về một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung lại được thắp lên sau những phát biểu của 2 bên.
Kết thúc phiên 14/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 77,92 điểm (+1,09%), lên 7.241,60 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 114,97 điểm (+0,97%), lên 11.991,62 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 78,78 điểm (+1,50%) lên 5.341,35 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, ảnh hưởng bởi nỗi lo chiến tranh thương mại leo thang khiến các thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ, nhưng đà giảm cũng đã được hãm đi nhiều so với phiên đầu tuần. Tuy nhiên, phiên giảm điểm thứ 7 liên tiếp đã kéo chỉ số Nikkei 225 xuống mức thấp nhất 3 tháng.
Kết thúc phiên 14/5, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 124,05 điểm (-0,59%), xuống 21.067,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 20,10 điểm (-0,69%), xuống 2.883,61 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 428,22 điểm (-1,52%), xuống 28.122,02 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường vàng, sau phiên tăng vọt đầu tuần do tâm lý lo sợ cuộc chiến thương mại, đẩy nhà đầu tư tìm đến vàng như kênh trú ẩn an toàn, giá vàng đã quay đầu giảm nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba khi hy vọng về một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh lại được thắp lại.
Kết thúc phiên 14/5, giá vàng giao ngay giảm 3,3 USD (-0,25%), xuống 1.296,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 5,5 USD (-0,42%), xuống 1.296,3 USD/ounce.
Sau phiên giảm nhẹ đầu tuần, giá dầu thô đã tăng tốt trở lại trong phiên thứ Ba khi Ả Rập Xê Út cho biết, máy bay không người lái do một phong trào vũ trang Yemen liên kết với Iran đã tấn công các cơ sở thuộc công ty dầu mỏ Aramco.
Ngoài ra, Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 800.000 thùng, tuần giảm thứ 2 liên tiếp.
Kết thúc phiên 14/5, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,74 USD (+1,20%), lên 61,78 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,01 USD (+1,44%), lên 71,24 USD/thùng.