Sau phiên chốt lời, giới đầu tư trở lại gom hàng

Sau phiên chốt lời, giới đầu tư trở lại gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tăng nhẹ trở lại trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (12/8) khi các nhà đầu tư cân nhắc đến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, cũng như nhìn thấy được triển vọng nhận được nhiều viện trợ kinh tế hơn từ chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden và sự phục hồi kinh tế năm 2021.

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau phiên giảm điểm đầu tuần trong bối cảnh các nhà đầu tư theo dõi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng trong tháng này.

Thị trường trái phiếu chứng kiến một đợt bán tháo trên diện rộng khi ​lợi suất ​trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 6/2020 trong tuần qua, đồng thời mức chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 7/2017.

Việc đường cong lợi suất trái phiếu tăng mạnh đã giúp cổ phiếu ngân hàng tăng. Ngoài ra, thị trường chờ đợi JPMorgan, Citi và Wells Fargo báo cáo kết quả kinh doanh vào thứ Sáu tuần này.

Mặt khác, về dữ liệu kinh tế Mỹ, chỉ số lạc quan của doanh nghiệp nhỏ do Hiệp hội doanh nghiệp độc lập quốc gia (NFIB) tổng hợp đã giảm 5,5 điểm xuống 95,9 trong tháng 12/2020, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.

Trong khi đó, các nhà đầu tư thận trọng tránh xa những rủi ro chính trị xung quanh những nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm luận tội Tổng thống Donald Trump với tội danh kích động đám đông bạo lực tấn công Điện Capitol vào tuần trước và tình trạng bất ổn dân sự tiềm ẩn khi lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden sắp diễn ra vào ngày 20/1.

Đáng quan tâm hơn mức độ lây lan nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Theo báo cáo của New York Times, Mỹ đã ghi nhận ít nhất 222.902 trường hợp nhiễm mới và ít nhất 2.048 trường hợp tử vong vào thứ Hai. Hiện có 129.748 bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện Mỹ, chỉ thấp hơn 1 chút so với con số kỷ lục 132.464 được thiết lập vào ngày 6/1.

Tuy nhiên, về quá trình triển khai vắc-xin, chính phủ Mỹ cho biết, rằng tính đến 9 giờ sáng ngày thứ Hai, gần 9 triệu người Mỹ đã đươc tiêm chủng mũi đầu tiên và 25,5 triệu liều đã được phân phối.

Thị trường đêm qua dường như cũng được củng cố bởi sự lạc quan về triển vọng cho một vòng hỗ trợ tài chính lớn khác sau khi ông Biden nhậm chức và đảng Dân chủ kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện. Hôm thứ Sáu tuần trước, ông Biden đã kêu gọi hỗ trợ thêm tài chính cho người Mỹ “ngay lập tức” sau khi báo cáo việc làm tháng 12 đáng thất vọng.

Kết thúc phiên 12/1, chỉ số Dow Jones tăng 60 điểm (+0,19%), lên 31.068,69 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,58 điểm (+0,04%), lên 3.801,19 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 36,00 điểm (+0,28%), lên 13.072,43 điểm.

Chứng khoán châu Âu đóng cửa đi ngang vào thứ Ba. Dữ liệu từ Refinitiv I /B/E/S cho thấy, các công ty trên STOXX 600 của châu Âu dự kiến ​​sẽ báo cáo doanh thu quý IV/2020 giảm 26,3% do các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch bệnh làm chậm sự phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, trong hai quý đầu năm 2021, dự kiến doanh thu sẽ phục hồi và ​​tăng lần lượt là 40,4% và 75,1%.

Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi sự bắt đầu của mùa báo cáo của Mỹ trong tuần này cũng như kế hoạch chi tiêu tài chính dưới thời Tổng thống Mỹ sắp tới Joe Biden, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1.

Kết thúc phiên 12/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 44,37 điểm (-0,65%), xuống 6.753,11 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 11,60 điểm (-0,08%), xuống 13.925,06 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 11,46 điểm (-0,20%), xuống 5.650,97 điểm.

Hầu hết các thị trường lớn tại châu Á đều tăng điểm trong phiên ngày thứ Ba. Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu của các nhà sản xuất thuốc, khi một báo cáo cho thấy loại thuốc của Chugai Pharmaceutical có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Chứng khoán Trung Quốc nhảy vọt, khi nhóm cổ phiếu hàng không bật tăng nhờ dự báo khởi sắc của thị trường vận chuyển hành khách.

Chứng khoán Hồng Kông nới đà đi lên nhờ dòng tiền mạnh tiếp tục chảy từ Đại lục.

Chứng khoán Hàn Quốc đi xuống do ảnh hường của phiên đêm qua trên phố Wall và nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt bán ròng.

Kết thúc phiên 12/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 25,31 điểm (+0,09%), lên 28.164,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 76,84 điểm (+2,18%), lên 3.608,34 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 368,53 điểm (+1,32%), lên 28.276,75 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 22,50 điểm (-0,72%), xuống 3.125,95 điểm.

Giá vàng khởi sắc trong phiên giao dịch ngày thứ Ba khi đồng USD ý hơn và lợi suất trái phiếu suy giảm sau khi tăng mạnh tuần qua. Đồng thời, triển vọng lạm phát cao hơn do có thêm những gói kích thích kinh tế của Mỹ đã hỗ trợ thêm cho kim loại quý.

Kết thúc phiên 12/1, giá vàng giao ngay tăng 11,60 USD (+0,63%), lên 1.855,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 6,60 USD (-0,36%), xuống 1.844,20 USD/ounce.

Giá dầu đạt mức cao nhất trong gần một năm vào thứ Ba, Nguồn cung thắt chặt hơn và kỳ vọng hàng tồn kho của Mỹ giảm đã bù đắp cho những lo ngại về tình hình gia tăng trường hợp nhiễm Covid-19 trên toàn cầu.

Kết thúc phiên 12/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,02 USD (+1,76%), lên 53,17 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,90 USD (+1,62%) lên 56,56 USD/thùng.

Tin bài liên quan