Sau phiên bán tháo 19/1, thị trường sẽ sớm trở lại đường đua nếu...

Sau phiên bán tháo 19/1, thị trường sẽ sớm trở lại đường đua nếu...

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên biến động mạnh, khi tâm lý hoảng loạn đã đẩy giá nhiều cổ phiếu giao dịch ở vùng giá thấp trong phiên 19/1 và đà giảm còn tiếp diễn sang nửa đầu phiên sáng nay (20/1).

Riêng phiên giao dịch ngày 19/1, chỉ số VN-Index giảm tới 60,94 điểm về 1.131 điểm, chỉ số VN30 giảm 66,02 điểm về 1.107,32 điểm, tiếp tục đà giảm của phiên trước đó, trong phiên sáng ngày 20/1, có thời điểm chỉ số VN-Index giảm về 1.098,05 điểm, tức giảm 32,95 điểm.

Tuy nhiên, sau đó chỉ số bắt đầu dấu hiệu hồi phục, lực cầu bắt đáy gia tăng và đón cửa phiên sáng, chỉ số VN-Index chỉ giảm nhẹ 0,64 điểm về 1.139,36 điểm.

Nhịp giảm mạnh ngày 19/01 liệu có bất thường?

Sau khi chứng kiến đà tăng mạnh của thị trường kể từ sau khi có thông tin vắc xin, chỉ số VN-Index đã bật tăng từ vùng 960 điểm (cuối tháng 11/2020) và liên tục vượt các đỉnh lịch sử 1.000 điểm, 1.026 - 1.032 điểm và đặc biệt tiếp cận vùng đỉnh tháng 4/2018 là 1.200 điểm mà không trải qua một nhịp điều chỉnh nào đủ mạnh (chủ yếu thị trường điều chỉnh trong phiên). Đặc biệt, thanh khoản trên sàn HOSE đạt kỷ lục với các phiên giao dịch từ 15.000 - 17.000 tỷ đồng/phiên, trái ngược với giai đoạn năm 2019 chỉ có thanh khoản 4.000 - 6.000 tỷ đồng/phiên.

Trên khắp các diễn đàn, câu chuyện của những nhà đầu tư kể với nhau chủ yếu việc kiếm tiền dễ dàng trên sàn chứng khoán, với tài khoản nhân đôi, nhân ba trong thời gian ngắn. Điều này vô hình trung khiến giới đầu tư phớt lờ đi rủi ro từ doanh nghiệp và lịch sử thị trường luôn luôn có những phiên điều chỉnh khốc liệt.

Trong đó, đỉnh điểm các doanh nghiệp công bố kết thông tin xấu, nhưng nhà đầu tư vẫn phớt lờ, mà chỉ quan tâm tới câu chuyện kỳ vọng.

Chẳng hạn, thông tin CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) bị truy thu thuế tới 396,4 tỷ đồng - số tiền tương đương với lợi nhuận 3 năm trở lại đây của TDH và ảnh hưởng trọng yếu tới hoạt động kinh doanh, hay CTCP Đầu tư LDG (LDG) đã phải ngừng triển khai dự án Khu dân cư Tận Thịnh, dự án có tồn kho lớn nhất của doanh nghiệp trị giá 316,6 tỷ đồng, chiếm 26,5% tổng tồn kho dự án, nhưng giá cổ phiếu 2 doanh nghiệp này lại không bị ảnh hưởng nhiều.

Phiên giao dịch ngày 19/01 là một phiên giảm điểm mạnh, nhưng xét về cả đợt tăng giá, đây lại là phiên giảm cần thiết

Bên cạnh yếu tố doanh nghiệp, yếu tố thị trường cũng cảnh báo nhiều rủi ro khi liên tục giao dịch vùng giá cao với chỉ báo RSI quá mua kéo dài, cũng gây nên áp lực về việc thị trường sớm điều chỉnh sau nhịp tăng nóng vừa qua.

Ngoài ra, ngày 21/1 là ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 1/2021. Thông thường, các phiên giao dịch trước ngày đáo hạn phái sinh thường biến động mạnh.

Được biết, khi chênh lệch giữa cơ sở và phái sinh lớn trước ngày đáo hạn, giới đầu tư thường có xu hướng tác động mạnh tới chỉ số phái sinh hoặc cơ sở để thu hẹp khoảng cách và không tạo nên cơ hội kinh doanh chênh lệch giữa giá hợp đồng phái sinh và chỉ số VN30. Chính vì vậy, việc biến động mạnh trước ngày đáo hạn phái sinh diễn ra cũng khá bình thường trong những tháng qua.

Phiên giao dịch ngày 19/01 là một phiên giảm điểm mạnh, nhưng xét về cả đợt tăng giá, đây lại là phiên giảm cần thiết để giảm sự hưng phấn của nhà đầu tư, cũng như giúp nhà đầu tư có thời gian bình tỉnh trở lại và đặc biệt giúp định giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn sau giai đoạn nhà đầu tư chỉ có thể mua đuổi. Ngoài ra, đáo hạn hợp động phái cũng đã tạo nên áp lực biến động cho chỉ số, tuy nhiên có thể kỳ vọng ổn định sau phiên 21/01.

Động lực nào cho thị trường trong thời gian tới

Sau phiên giao điểm mạnh, thị trường có dấu hiệu giảm mạnh đầu phiên sáng ngày 20/01, tuy nhiên có dấu hiệu lực cầu bắt đáy vào các cổ phiếu. Trong đó, nhóm cổ phiếu trụ có kỳ vọng kết quả kinh doanh tích cực sẽ dễ hút dòng tiền trở lại, bên cạnh các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực.

Biểu đồ chỉ số VN-Index

Biểu đồ chỉ số VN-Index

Được biết, theo quy định kế toán hiện hành, công bố báo cáo quý IV/2020 sẽ kết thúc vào ngày 31/1/2021, đây đang là giai đoạn doanh nghiệp đẩy mạnh công bố báo cáo về tình hình kinh doanh của năm tài chính. Bên cạnh đó, một vài doanh nghiệp cũng bắt đầu chốt danh sách để tham dự Đại hội cổ đông thường niên năm 2021.

Điều này đồng nghĩa, trong ngắn hạn, giới đầu tư sẽ nhìn tới kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp tăng trưởng tốt sẽ là cơ sở nâng tỷ lệ cổ tức năm 2020 trong ĐHCĐ sắp tới.

Như vậy, câu chuyện kỳ vọng chính của thị trường sắp tới chính là câu chuyện riêng lẻ của từng doanh nghiệp, điều này sẽ trái ngược lại với giai đoạn trước đó, thị trường phớt lờ đi các tin xấu và tập trung vào dòng tiền.

Trong lịch sử nhiều năm qua, giai đoạn tháng 2 tới tháng 4 hàng năm là giai đoạn nhà đầu tư trên thị trường đón nhận nhiều tin tức nhất. Trong đó, tài liệu ĐHĐCĐ là cơ sở cho nhà đầu tư tìm kiếm những doanh nghiệp có điểm rơi lợi nhuận trong năm, cũng như có kế hoạch đặc biệt và tạo động lực cho giá cổ phiếu trong năm tài chính bình thường.

Đây thường là giai đoạn thị trường tích cực nhất, nhưng vẫn có giai đoạn tháng 4/2018 khi thị trường giảm điểm mạnh, đây là giai đoạn thế giới đón nhận thông tin xấu bất ngờ về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hay như năm 2020 khi thị trường đón nhận tin đại dịch Covid-19.

Nếu thị trường không đón nhận thông tin nào đảo ngược tình hình và đặc biệt chỉ số VN-Index tiếp cận vùng hỗ trợ 1080 - 1.100, điều này sẽ có cơ sở cho đợt hồi phục sắp tới nhờ vào kỳ vọng thông tin doanh nghiệp sớm được công bố, từ kết quả kinh doanh tới tài liệu ĐHĐCĐ năm 2021.

Tin bài liên quan