Sau OPEC, đến lượt IEA hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu do ảnh hưởng của thuế quan

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng chậm hơn nhiều so với dự kiến ​​trong năm nay và mức tăng sản lượng của Mỹ cũng sẽ giảm dần do thuế quan của Tổng thống Donald Trump đối với các đối tác thương mại cũng như các biện pháp trả đũa.
Sau OPEC, đến lượt IEA hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu do ảnh hưởng của thuế quan

Theo đó, IEA dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 730.000 thùng/ngày trong năm nay, giảm mạnh so với mức tăng 1,03 triệu thùng/ngày theo dự kiến ​​vào báo cáo tháng trước.

"Triển vọng xấu đi của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng thương mại đột ngột leo thang vào đầu tháng 4 đã thúc đẩy việc hạ dự báo của chúng tôi về tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay…Gần một nửa mức hạ dự báo này xảy ra ở Mỹ và Trung Quốc, phần lớn còn lại ở các nền kinh tế châu Á định hướng thương mại", IEA cho biết trong báo cáo tháng mới nhất được công bố hôm thứ Ba (15/4).

Trong năm 2026, IEA dự báo nhu cầu dầu tăng trưởng sẽ chậm lại thêm nữa xuống còn 690.000 thùng/ngày, do bối cảnh kinh tế mong manh và sự thâm nhập ngày càng tăng của xe điện.

Tại Trung Quốc, những thách thức kinh tế và sự chuyển dịch sang xe điện đang làm giảm triển vọng tăng trưởng dầu mỏ tại quốc gia tiêu thụ lớn thứ hai thế giới, vốn đã thúc đẩy mức tiêu thụ dầu tăng trong nhiều năm qua.

Giá dầu thô toàn cầu đã giảm 13% trong tháng này xuống còn khoảng 64 USD/thùng do chịu áp lực từ căng thẳng thương mại và quyết định của các nhà sản xuất OPEC+ nhằm đẩy nhanh việc tăng sản lượng vào tháng 5.

Trong khi đó, các chính phủ phụ thuộc vào dầu mỏ đang chịu áp lực từ đà sụt giảm của giá dầu, trong đó các quan chức chuẩn bị các phản ứng chính sách cho sự sụt giảm doanh thu như phát hành thêm trái phiếu và cắt giảm chi tiêu.

Sự sụt giảm của giá dầu trong thời gian gần đây cũng là một thách thức đối với các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. "Giá dầu giảm đáng kể đã làm rung chuyển lĩnh vực dầu đá phiến của Mỹ…Các mức thuế mới cũng có thể khiến việc mua thép và thiết bị trở nên đắt đỏ hơn, dẫn tới các hoạt động khoan không còn mặn mà nữa", báo cáo cho biết.

Cùng với tác động của thuế quan từ Trung Quốc đối với việc nhập khẩu etan và khí dầu mỏ hóa lỏng của Mỹ, những yếu tố này đã thúc đẩy IEA cắt giảm dự báo nguồn cung dầu của Mỹ 150.000 thùng/ngày trong năm nay xuống mức tăng trưởng còn 490.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, IEA cho biết các dự án dầu mỏ thông thường vẫn đang đi đúng hướng và tổng nguồn cung từ các quốc gia bên ngoài OPEC+ dự kiến sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày vào năm 2025, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng nhu cầu và cho thấy tình trạng thặng dư đáng kể.

Việc IEA giảm dự báo nhu cầu dầu năm 2025 diễn ra sau động thái tương tự của OPEC vừa được công bố trước đó, mặc dù mức giảm của IEA có phần mạnh hơn.

OPEC đã hạ dự báo nhu cầu dầu trong năm nay và năm tới xuống còn lần lượt là 1,3 triệu thùng/ngày và 1,28 triệu thùng/ngày. Cả hai đều giảm 150.000 thùng/ngày so với số liệu của tháng trước.

Tuy nhiên, quan điểm về nhu cầu dầu của OPEC vẫn đang ở mức cao hơn so với dự báo của ngành và liên minh kỳ vọng việc sử dụng dầu sẽ tiếp tục tăng trong nhiều năm, trong khi IEA cho rằng nhu cầu dầu sẽ sớm đạt đỉnh trong thập kỷ này khi thế giới chuyển sang nhiên liệu sạch hơn.

Tin bài liên quan