Anh Q. Tuấn - cư dân tại một chung cư khu vực Linh Đàm, Hà Nội cho biết, anh không mua bảo hiểm vì thấy không cần thiết. Hơn nữa, anh cũng không hiểu quyền lợi được hưởng khi mua bảo hiểm là gì.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, tại Hà Nội và TP.HCM, ngoại trừ một số chung cư mà chủ đầu tư đã có ràng buộc rõ ràng trách nhiệm mua bảo hiểm của chủ căn hộ chung cư trong hợp đồng mua bán, tỷ lệ các chủ căn hộ mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc rất hạn chế.
Nguyên nhân chủ yếu vẫn là nhận thức của người dân đối với việc mua bảo hiểm chưa cao, cho dù đã có nhiều vụ cháy nổ chung cư diễn ra thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, khác với các doanh nghiệp, tổ chức, việc kiểm tra sự tuân thủ của mỗi chủ căn hộ chung cư đối với việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cũng rất khó khăn.
Một nguyên nhân phổ biến khác là người dân cũng chưa thực sự hiểu rõ lợi ích của bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Khi mua bảo hiểm, chủ căn hộ chung cư sẽ được bồi thường khi có rủi ro xảy ra với căn hộ theo hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp bảo hiểm.
Ngoài ra, theo Nghị định 23/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018, tổng số phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thực tế thu được của các hợp đồng bảo hiểm gốc trong năm tài chính liền kề trước đó sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm trích nộp 1% vào ngân sách nhà nước để phục vụ cho các hoạt động phòng cháy, chữa cháy như hỗ trợ trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy, chữa cháy và bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc…
Thực tế, trong một số vụ cháy nổ chung cư vài năm gần đây, những chủ căn hộ chung cư hiếm hoi mua bảo hiểm đã nhanh chóng nhận được tiền bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm.
Chẳng hạn, trong vụ hỏa hoạn tại chung cư Carina Plaza (số 1648, Võ Văn Kiệt, P.16, Q.8, TP.HCM) ngày 23/3/2018, gia đình anh Trần Việt Cường sở hữu căn hộ A00.08 đã nhận hơn 200 triệu đồng tiền bồi thường từ Bảo hiểm BIDV (BIC) nhờ tham gia gói bảo hiểm toàn diện nhà tư nhân của doanh nghiệp này.
Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cũng đã chi trả bồi thường cho 5 khách hàng tham gia mua bảo hiểm với số tiền hơn 100 triệu đồng/khách hàng trong ít ngày sau khi xảy ra vụ cháy. Ngoài BIC và PTI, Bảo hiểm PVI cũng là đơn vị bảo hiểm 3 hạng mục cho khu chung cư này.
Nghị định 79/2014/NĐ-CP và Nghị định 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ, nhà chung cư là một trong những cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao nên phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Đối với các căn hộ, người mua có thể là chủ sở hữu, người thuê hoặc người người được ủy quyền. Với những không gian chung như trung tâm thương mại, shop-house, ban quản lý tòa nhà sẽ là đơn vị đứng ra mua bảo hiểm.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà chưa được tuân thủ chặt chẽ. Để các quy định thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế, đặc biệt là với các chủ căn hộ chung cư, cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp cần phải nỗ lực hơn nữa, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền.
Trao đổi với phóng viên, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ, tuy việc mua bảo hiểm chung cư hay bảo hiểm nhà tư nhân chưa được quan tâm đúng mức, nhưng sản phẩm này vẫn tăng trưởng khá tốt nhờ bán qua hệ thống các ngân hàng.
Cụ thể, các ngân hàng khi giải ngân cho vay mua nhà sẽ yêu cầu người vay vốn phải mua bảo hiểm nhà chung cư nhằm đảm bảo cho tài sản của khoản vay.
“Chúng tôi đang đẩy mạnh hợp tác với các ngân hàng để bán sản phẩm bảo hiểm chung cư, bảo hiểm nhà trong bối cảnh thị trường bất động sản tích cực trở lại, đặc biệt là những ngân hàng bảo lãnh vốn cho các công trình nằm trong gói sản phẩm.
Việc kết hợp các ngân hàng hứa hẹn sẽ đem lại nguồn doanh thu lớn và ổn định. Trong năm 2019, doanh thu từ sản phẩm nhà chung cư của chúng tôi dự kiến tăng trưởng trên 80%”, vị đại diện này thông tin.