Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã nêu ra sáu nhóm giải pháp phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã nêu ra sáu nhóm giải pháp phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả

Sáu nhóm giải pháp phát triển nền kinh tế tự chủ gắn với hội nhập quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra sáu nhóm giải pháp để phát triển nền kinh tế tự chủ gắn với hội nhập quốc tế.

Tại phiên phiên tọa đàm cấp cao – Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong hai năm 2019 – 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được giao nhiệm vụ là nghiên cứu một chuyên đề xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, để phục vụ xây dựng Văn hiện của Đại hội đảng lần thứ XIII.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu ra các khái niệm nền kinh tế độc lập tự chủ. Trong đó, những khái niệm mang tính truyền thống cũ thì đã không còn phù hợp, nhất là những khái niệm mang tính cô lập, không còn liên hệ với bên ngoài thì không còn phù hợp nữa.

Bộ đã nghiên cứu và đề xuất khái niệm mới trong bối cảnh mới để khái quát nền kinh tế tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mà nền kinh tế đó phải có thực lực, có khả năng phát triển, có thể tự cung ứng, ít bị tổn thương và ứng phó thành công với tác động tiêu cực từ bên ngoài của quá trình hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở khái niệm đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 8 nhóm tiêu chí mang tính chất nội hàm của nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Thứ nhất là cần có sự độc lập tự chủ trong nghiên cứu, đánh giá các chuyển biến của quốc tế để từ đó nghiên cứu đề xuất ra các đường lối, đối sách phù hợp với từng biến động.

Thứ hai là cần có sự độc lập trong tư duy và tự chủ trong các quyết định mục tiêu đường lối chiến lược, chính sách trong phát triển kinh tế xã hội của mình mà không bị chi phối với bất kỳ bên ngoài nào.

Thứ ba là cần có sự độc lập tự chủ trong việc xây dựng và triển khai các bước đi phù hợp trong quá trình hội nhập quốc tế, và đặc biệt là phải không ngừng tăng cường vị thế của quốc gia.

Thứ tư là cần có thể chế đồng bộ, hiệu quả trên ba lĩnh vực. Thứ nhất là hoàn thiện pháp luật về kinh tế đồng bộ và hoàn thiện; Thứ hai là hệ thống thị trường phát triển đồng bộ và vận hành hiệu quả; Thứ ba là cần có bộ máy lãnh đạo quản lý có năng lực và hiệu quả.

Thứ năm là nền kinh tế phải có mức độ cạnh tranh cao cả về quy mô của nền kinh tế cũng như sự cạnh tranh của các doanh nghiệp và sản phẩm quốc gia.

Thứ sáu là nền kinh tế phải có sự chống chịu với những cú sốc bên ngoài, đồng thời nền kinh tế phải có khả năng phục hồi nhanh sau khi các cú sốc đó đi qua.

Thứ bảy là phải đảm bảo được các yếu tố nền tảng để phát triển kinh tế xã hội, mà cụ thể là chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và hệ thống cơ sở hạ tầng.

Thứ tám là cần có cơ cấu kinh tế hợp lý để từ đó vạch ra quá trình vận hành sản xuất có sức cạnh tranh cao.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tất cả các nội dung trên đã được khái quát và được cụ thể hóa trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, và việc cụ thể hóa đường lối chủ trương là hết sức cần thiết.

“Trong hai năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến các cú sốc về đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị và những thách thức liên quan đến vấn đề vĩ mô như là lạm phát, điều chỉnh về chính sách tài khóa, tiền tệ của các nền kinh tế lớn… đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của nước ta”, Thứ trưởng nói và nhấn mạnh thêm, để thúc đẩy mạnh hơn nữa nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các bài trình bày, ý kiến của các diễn giả tại Diễn đàn đã có những ý kiến rất cụ thể. Trên cơ sở đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khái quát lại sáu nhóm giải pháp để triển khai trong thời gian tới.

Thứ nhất là duy trì sự ổn định và phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường… trong đó trọng tâm lớn nhất là giữ vững ổn định và phát triển về hệ thống chính trị, an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

“Đây là yếu tố mang tính nền tảng xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh mới, và tất cả những chiến lược này phải mang tính dài hạn, thường xuyên”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói thêm.

Nhóm nhiệm vụ thứ hai là triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp đột phá. Thứ nhất là phải đột phá về thể chế mà trọng tâm là hoàn thiện thể chế pháp luật, trong đó hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng bộ với thị trường, phù hợp với thông lệ quốc về và gắn với điều kiện đặc thù của Việt Nam; Đột phá thứ hai là về hạ tầng, trọng tâm là phát triển hạ tầng quy mô lớn, tạo sự lan tỏa; Đột phá thứ ba là về nguồn nhân lực, mà trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ để dần tiến tới từng bước làm chủ khoa học công nghệ để tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế.

Nhóm nhiệm vụ thứ ba là cần có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới động lực tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh chất lượng của nền kinh tế.

“Trọng tâm của nhiệm vụ này là phấn đấu xây dựng cơ cấu nền kinh tế hợp lý, để làm sao nền kinh tế thích ứng được với các biến động của thế giới, đồng thời cho thấy năng lực phục hồi nhanh sau khi những biến động đó đi qua và đồng thời là nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, phục hồi nhanh hơn sau cú sốc liên hoàn”, Thứ trưởng nói thêm.

Nhóm nhiệm vụ thứ tư là duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, bảo đảm an ninh và an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, biến đổi khí hậu… đây là nhiệm vụ kiến tạo nên sự phát triển xanh, phát triển bền vững.

Nhóm nhiệm vụ thứ năm là huy động tối đa nguồn lực để phục vụ cho việc phát triển. “Ở đây bám sát quan điểm quả Đảng đó là ngoại lực quan trọng, nội lực quyết định sự phát triển gắn với sự phát triển vững chắc thị trường trong nước, đa dạng hóa thị trường ngoài nước, và hạn chế tác động của sự đứt gãy nguồn cung”.

Nhóm nhiệm vụ thứ sáu và hết sức quan trọng của nền kinh tế tự chủ hội nhập quốc tế là thực hiện các giải pháp để chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng cao vị thế, vai trò của đất nước gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ, duy trì hòa bình và phát triển.

Tin bài liên quan