Theo đó, phiên họp dự kiến sẽ được tổ chức vào lúc 9h ngày 17/8/2020. Theo quy định của Luật doanh nghiệp và điều lệ Eximbank, ĐHĐCĐ lần thứ 3 sẽ được tiến hành không phụ thuộc vào số lượng cổ đông hay đại diện ủy quyền tham dự.
Có nghĩa, tỷ lệ cổ đông tham dự bao nhiêu đại hội cũng có thể diễn ra. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn đó chính là đại hội diễn ra, nhưng các vần đề có được cổ đông thông qua hay không mới là nội dung được cổ đông của Eximbank quan tâm.
Đáng chú ý, đại hội cổ đông lần này của Eximbank thay vì tổ chức tại một địa điểm ở TP.HCM như thường lệ, ở lần triệu tập đại hội tới, Ngân hàng sẽ tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế có địa chỉ ở số 35 Hùng Vương, phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Trước đó, phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần thứ 2 của Eximbank tổ chức ngày 29/7/2020 đã không đủ điều kiện tiến hành.
Nguyên nhân là do tổng số cổ phần biểu quyết của cổ đông tham dự họp (bao gồm cổ đông và người đại diện theo ủy quyền) chỉ đạt 42,57%, thấp hơn 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại điều lệ Eximbank.
Tuy ĐHCĐ thường niên 2020 lần thứ 3 của Eximbank không phụ thuộc vào số lượng cổ đông hay đại diện ủy quyền tham dự, song các cổ đông tham dự họp cũng cần lưu ý một số quy định.
Trong đó, Eximbank đề nghị cổ đông khi tham dự họp đại hội cổ đông phải xuất trình bản chính một trong các giấy tờ tùy thân và thông báo mời họp bản chính để đăng ký tham dự họp theo quy định.
Trường hợp cổ đông không xuất trình được bản chính thông báo mời họp nhưng xuất trình được giấy tờ tùy thân hợp pháp, việc đăng ký tham dự họp sẽ do ban thẩm tra tư cách cổ đông xem xét giải quyết.
Đối với trường hợp người được ủy quyền của cổ đông cá nhân (trừ trường hợp là Thành viên HĐQT/BKS) khi đăng ký tham dự họp phải xuất trình được bản chính thông báo mời họp và giấy ủy quyền có dấu mộc đỏ của Eximbank, xuất trình giấy tờ tùy thân hợp pháp của chính mình và xuất trình bản sao có chứng thực hợp lệ giấy tờ tùy thân hợp pháp của cổ đông (người ủy quyền).
Trên thực tế, Eximbank đã phải nhiều lần phải hủy đại hội cổ đồng và đến thời điểm này đã 5 lần hủy đại hội sau 2 năm qua, trong đó có cả đại hội cổ đông bất thường.
Trước khi đại hội cổ đông thường niên 2020 lần thứ 2 của Eximbank diễn ra bất thành vào ngày 29/7, cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - đang nắm giữ 15% vốn cổ phần Eximbank - có văn bản yêu cầu ngân hàng này tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 2 trước đại hội cổ đông thường niên lần 2.
Lý do SMBC nêu ra là đại hội cổ đông bất thường là giải quyết các vấn đề thuộc năm tài chính 2019 đã bị trì hoãn trong thời gian dài. Do vậy, đại hội bất thường bất thường phải được tiến hành trước để giải quyết xong tất cả vấn đề của năm tài chính 2019 trước khi chuyển qua xem xét các vấn đề của năm tài chính 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tuy nhiên, Eximbank chưa lên lịch họp đại hội cổ đông bất thường lần 2 mà chỉ tổ chức đại hội thường niên. Thực tế cho thấy, việc Eximbank phải hủy ĐHCĐ thường niên lần 2 là điều có thể dự báo từ trước do từ khi Eximbank công bố tổ chức, sóng gió đã liên tục nổ ra.
Sau khi Eximbank công bố không đủ điều kiện để tiến hành đại hội cổ đông thường niên lần 2, các cổ đông, nhất là những cổ đông lớn tuổi đã rất bức xúc. Cổ đông Eximbank cho rằng, việc hoãn đại hội cổ đông liên tục như vậy làm tốn tiền cổ đông vì chi phí tổ chức rất lớn, các chi phí này đều tính vào chi phí hoạt động của ngân hàng.
Trong khi cổ đông cứ đi đến lại đi về, mất thời gian, công sức. Nhưng nhiều năm qua, cổ đông không được chia cổ tức.
Một trong những nội dung quan trọng trong kỳ đại hội đồng tổ chức năm 2020 là bầu ra thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới năm 2020 – 2025 với đề xuất tăng thêm 2 thành viên, lên 11 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập.
Ngay trước ngày ĐHCĐ thường niên lần thứ 2 diễn ra, Hội đồng quản trị Eximbank vừa có nghị quyết miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch HĐQT đối với ông Đặng Anh Mai.
Cách đây khoảng 1 tháng, trước thềm đại hội đồng cổ đông tổ chức lần 1, HĐQT Eximbank cũng đã quyết định miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Cao Xuân Ninh theo nguyện vọng cá nhân, bầu ông Yasuhiro Saitoh đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT.
Vấn đề bất đồng trong nhân sự cấp cao HĐQT diễn ra trong suốt nhiệm kỳ 5 năm qua cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Về cơ cấu cổ đông, cổ đông lớn tại Eximbank hiện có: SMBC (sở hữu 15%); Vietcombank đã giảm về dưới 5%; Nam A Bank; Hyundai; nhóm bà Ngô Thu Thúy.