Đây là những câu hỏi mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng rất trăn trở đặt ra tại Tọa đàm "Hướng tới tăng trưởng chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2030: Định hướng ưu tiên chính sách” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 7/6.
Theo Bộ trưởng, nếu không giải quyết được nút thắt về làm chủ khoa học công nghệ để tăng năng suất thì nền kinh tế khó cơ hội đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong dài hạn.
Đánh giá về việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật nhưng chưa tương xứng tiềm năng, thiếu tính bền vững.
Trong giai đoạn này, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và ngày càng được cải thiện; tăng trưởng kinh tế đạt khá, chất lượng được nâng lên… Tuy nhiên, do tác động không thuận của bối cảnh kinh tế thế giới và một số nguyên nhân chủ quan, việc tạo nền tảng để đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt yêu cầu; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng…
Đặc biệt, theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của cả 3 cấp độ từ sản phẩm, doanh nghiệp đến quốc gia đều thấp, thể hiện chất lượng tăng trưởng tổng thể của nền kinh tế còn có vấn đề. Trong đó, nhiều vấn đề còn nổi cộm như hoạt động của doanh nghiệp còn rất khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể vẫn tăng, hiệu quả hoạt động và đóng thuế còn rất thấp.
Nguyên nhân chính, theo Bộ trưởng, vẫn là do điểm nghẽn về công nghệ, do khả năng làm chủ về công nghệ của các DN còn rất hạn chế, và đây chính là vấn đề cốt lõi cần giải quyết triệt để mới có thể giải phóng tiềm năng và sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động và chất lượng của nền kinh tế, từ đó mới có thể đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững.
Nhận định về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) thẳng thắn cho rằng, dù đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao, khoảng 6,5%/năm trong thời gian quan, song tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam vẫn thấp hơn các quốc gia trong khu vực trong cùng giai đoạn phát triển.
“Nếu vẫn duy trì tăng trưởng như thông thường thì tiềm năng tăng trưởng Việt Nam sẽ có xu hướng giảm, chỉ còn khoảng 5,7% trong thời gian tới, tức là thấp hơn mức mục tiêu đặt ra là 6,5 - 7,5%. Trong khi đó xét về năng suất, mức độ cải thiện của năng suất trong vòng 20 năm qua vẫn thấp hơn so với khu vực và thế giới. Do đó nếu không có giải pháp tăng năng suất thì vấn đề tăng trưởng dài hạn của Việt Nam là đáng lo ngại”, ông Sebastian Eckard phân tích.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank cũng chỉ ra rằng Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một thách thức khác, đó là vấn đề già hóa dân số.
“Thời kỳ Việt Nam hưởng lợi từ dân số vàng không còn nhiều. Tốc độ già hóa dân số cao, đầu tư và tăng trưởng năng suất thấp ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam”, ông Sebastian Eckardt nêu vấn đề.
Theo khuyến nghị của vị chuyên gia, Việt Nam cần tăng cường đầu tư và thúc đẩy tăng năng suất để tái tạo đà tăng trưởng và trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời rất cần cải cách sâu rộng, nâng cao hiệu quả đầu tư, cải cách môi trường kinh doanh, khơi thông những điểm nghẽn cản trở khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là tập trung phát triển thị trường vốn, tích lũy vốn để giải quyết bài toán thiếu vốn, tạo động lực khỏe mạnh cho tăng trưởng dài hạn.
Có cùng nhận định về sự suy giảm tăng trưởng trong dài hạn, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đang trong xu hướng giảm “chậm dần đều” trong 30 năm qua.
“Từ giai đoạn 2000 – 2010 và trước nữa thì tăng trưởng gần 8%, sau đó xuống 7,2 – 7,4% giai đoạn 2011 – 2010 rồi giờ còn 6,2 – 6,4%. Nhưng Việt Nam vẫn được ghi nhận là ổn định kinh tế vĩ mô, vậy có phải tăng trưởng hợp lý ổn định vĩ mô là cần thiết không?”, ông Kiên đặt câu hỏi.
Trong khi đó, ngược lại với xu thế giảm dần đều của Việt nam thì tốc độ tăng trưởng một số nước lại tăng mạnh, thậm chí có quốc gia tăng gấp rưỡi Việt Nam là vấn đề rất đáng lưu tâm.
“Trong bối cảnh này, chúng ta cứ giảm dần tốc độ tăng trưởng thì ổn định để làm gì? Phải có sự bùng nổ, thất nghiệp để tạo dựng hình thức mới, tạo ra đột phá mới. Chỉ có thúc đẩy cải cách, chủ động tạo ra đột phá trong nền kinh tế thì mới đổi mới, phải chấp nhận trả giá để có được sự đột phá”, ông Kiên thẳng thắn nêu quan điểm và cho rằng không có một cải cách kinh tế nào mà các quốc gia thực hiện thành công mà không có trả giá.
Vấn đề là xác định trả giá như thế nào là chấp nhận được, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ bùng nổ như hiện nay thì cần xác định cái giả phải trả như thế nào là hợp lý để có được sự đột phá tăng trưởng là vấn đề cần xem xét.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cũng cho rằng vấn đề đặt ra hiện nay của Việt Nam là phải xác định được mức tăng trưởng hợp lý. Số liệu được ông Sinh đưa ra cho thấy giai đoạn 2001-2010, tỷ lệ đầu tư/GDP cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tiết kiệm/GDP, Việt Nam vay thêm rất nhiều để đầu tư khiến tổng mức đầu tư toàn xã hội lên tới 40% GDP, thậm chí có thời điểm lên tới 44% GDP.
Trong giai đoạn 2011-2020, tính sơ bộ tổng mức đầu tư chỉ khoảng 34-35% GDP nhưng tăng trưởng thấp hơn tới 1% so với giai đoạn trước.
“Điều này cho thấy thực tế là đầu tư thấp thì tăng trưởng thấp. Vậy vấn đề đặt ra là huy động nguồn lực từ đâu cho tăng trưởng. Hiện nay nguồn tiền và tài sản nhàn rỗi trong dân còn rất nhiều song vẫn chưa huy động được nguồn lực này để đưa vào nền kinh tế. Lý do là họ lo rủi ro chính sách hay thấy chưa hấp dẫn đầu tư, cần nghiên cứu kinh nghiệm giải tỏa được những vướng mắc này để có thể huy động được lượng vốn khổng lồ trong dân cho bài toán tăng trưởng”, ông Sinh gợi mở.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, tăng trưởng tín dụng cũng là vấn đề cần xem xét. Tăng trưởng tín dụng trong 10 năm trở lại đây thấp hơn so với trước vì những lo ngại rủi ro.
“Mức này quá thấp hay cơ cấu tín dụng có vấn đề. Lãi suất cho vay đối với DN còn rất cao so với mức bình quân thế giới, như vậy thì có đáp ứng nhu cầu tăng trưởng giai đoạn tới. Cần giải quyết bài toán lãi suất để tăng nội lực lực cho DN phát triển tạo động lực cho tăng trưởng chứ dựa vào vay đầu tư thì rất khó bền vững”, ông Sinh khuyến nghị và cho rằng đây là những vấn đề cốt lõi mà Việt Nam phải tính toán và giải quyết được trong việc xây dựng các kế hoạch và chiến lược phát triển cho giai đoạn tới.