Sau năm 2015, mới cấm được xuất lậu khoáng sản

Hàng loạt vấn đề đang bức xúc trong cuộc sống liên quan đến công tác quản lý nhà nước của ngành công thương đã được các đại biểu Quốc hội đặt ra với “tư lệnh” ngành này, ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương trong phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày đầu tuần (1/4).
Sau năm 2015, mới cấm được xuất lậu khoáng sản

Trước thực trạng xuất khẩu lậu tài nguyên khoáng sản gây thất thu cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường tại nơi có mỏ khoáng sản, lãng phí tài nguyên quốc gia, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Mã Điền Cư đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Công thương trong quản lý hoạt động này.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, có tình trạng xuất lậu khoáng sản, nhưng sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP để chấn chỉnh tình trạng này, thì Bộ “đã kiểm soát được”. “Theo tinh thần của Nghị quyết 02/NQ-CP, khoáng sản là tài nguyên vô cùng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy nghiêm cấm xuất khẩu thô, trừ than và dầu thô”, ông Hoàng nói và cho biết, nước ta vẫn đang phải xuất khẩu dầu thô, bởi năng lực chế biến tài nguyên này trong nước còn thấp, chưa sử dụng hết, nhưng sau này, khi các nhà máy lọc dầu đi vào vận hành và chạy hết công suất, thì dứt khoát không cho xuất khẩu dầu thô.

“Riêng với mặt hàng than, do chúng ta có một số loại than có chất lượng cao, trong nước không sử dụng hết, mới được phép xuất khẩu thô. Còn lại dứt khoát không cho xuất thô tất cả các loại khoáng sản khác. Sau khi khai thác, doanh nghiệp phải chế biến thành sản phẩm tinh mới được xuất khẩu”, ông Hoàng khẳng định và dẫn chứng, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP, kim ngạch xuất khẩu tài nguyên (trừ than và dầu thô) kể cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch đã giảm hẳn.

Mặc dù vậy, ông Hoàng cũng thừa nhận, tình trạng xuất khẩu tài nguyên thô vẫn còn là do trước đây, nhiều doanh nghiệp đã khai thác, nếu không cho xuất khẩu thì doanh nghiệp gặp khó khăn. Vì vậy, doanh nghiệp và lãnh đạo nhiều địa phương đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép xuất khẩu hết số khoáng sản tồn kho, nhưng đều được giám sát chặt chẽ của các cấp, các ngành.

Chất vấn người đứng đầu ngành công thương về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nhận định hiện tại chỉ còn xuất khẩu tài nguyên thô đã khai thác trước khi ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP là chưa hoàn toàn chính xác. Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng thẳng thắn thừa nhận, vẫn chưa hạn chế được hoàn toàn tình trạng xuất khẩu lậu khoáng sản ở nhiều địa phương. “Tôi xin nhận trách nhiệm trong việc hạn chế triệt để tình trạng này. Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường với mục tiêu đặt ra là từ năm 2015 trở đi, sẽ không còn tình trạng xuất khẩu lậu khoáng sản”, ông Hoàng cam kết.

Ông Thạch Dư (đại biểu Quốc hội Trà Vinh) và Lê Đắc Lâm (đại biểu Quốc hội Bình Thuận) nêu tình trạng người nông dân sản hiện gặp khó khăn trong sản xuất do tình trạng thiếu điện gây ra.

“Nuôi trồng thủy sản đã đem lại hiệu quả rất lớn cho người dân Trà Vinh, vì vậy, tỉnh đang có kế hoạch mở rộng nuôi thủy sản. Song hiện tại điện không cung cấp đủ cho máy móc phục vụ cho việc nuôi thủy sản khiến hiệu quả bị giảm đáng kể”, ông Thạch Dư cho biết.

Trong khi đó, đại diện cho cử tri “thủ phủ” của cây thanh long, ông Lê Đắc Lâm cho biết, nhu cầu điện để trồng thanh long trái vụ có hiệu quả cao rất lớn, nhưng hiện  ngành điện mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu khiến người dân trồng thanh long ở Bình Thuận gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, vấn đề thiếu điện cho sản xuất nông nghiệp đã diễn ra từ nhiều năm nay. Bản thân ông cũng đã nhiều lần được phản ánh và đã trực tiếp đi làm việc tại các địa phương để tìm hướng xử lý.

“Tinh thần của ngành điện là không để xảy ra thiếu điện. Ở đâu có nhu cầu thì ngành điện phải đáp ứng. Ngành điện phải quy hoạch phát triển trước một bước so với sự phát triển của kinh tế - xã hội”, ông Hoàng nhấn mạnh và cho rằng, việc thiếu điện được của các địa phương diện tích trồng cây thanh long và nuôi trồng thủy sản ở nhiều địa phương tăng quá nóng, ngành điện đã phải huy động nhiều nguồn lực để đầu tư trạm biến thế, kéo hệ thống dây dẫn, nhưng không theo kịp với sự phát triển quá nhanh của diện tích trồng cây thanh long và nuôi trồng thủy sản ở một số địa phương”, ông Hoàng giải thích.

Tin bài liên quan