Ảnh Internet
Một năm tuột dốc
Theo báo cáo tài chính năm 2019 đã kiểm toán và công bố cuối tháng 3/2020 của CIC-5, hàng tồn kho không có biến động lớn với giá trị 53,33 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2018. Trong khi đó, khoản phải thu ngắn hạn giảm đáng kể, khi thu hồi được gần 16 tỷ đồng từ khách hàng lớn như Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng tỉnh Sóc Trăng, Công ty Truyền tải điện 4… Còn đầu tư tài chính ngắn hạn giảm hơn 10 tỷ đồng.
Những yếu tố trên khiến tài sản ngắn hạn của CIC-5 giảm 17,8%, còn 109,448 tỷ đồng tính đến cuối kỳ (ngày 31/12/2019). Đây cũng nguyên nhân chính kéo tụt 19,11% tổng tài sản năm 2019 của Công ty khi chỉ đạt 125,654 tỷ đồng.
Năm 2019, CIC-5 phát sinh nợ ngắn hạn với 3 đối tác, trong đó nợ mới 3,43 tỷ đồng với Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Thảo Hương và Công ty cổ phần SCNC. Song nhờ thanh toán được 11,38 tỷ đồng cho các đối tác, nợ phải trả của CIC-5 giảm 28,56 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty không phát sinh nợ dài hạn.
Tiếp theo xu hướng sụt giảm vốn chủ sở hữu, năm 2019, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối “ăn” vào vốn chủ sở hữu khiến vốn chủ sở hữu của CIC-5 giảm hơn 3% so với năm 2018, còn 35,709 tỷ đồng.
Nợ phải trả giảm đáng kể giúp hệ số nợ/tổng tài sản của CIC-5 giảm từ 0,763 năm 2018 còn 0,715 năm 2019, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cũng giảm từ 3,22 về 2,51.
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch năm 2019 của CIC-5 chỉ đạt 137,24 tỷ đồng, giảm 42,8% so với năm 2018 do doanh thu mảng cốt lõi là hoạt động xây dựng rớt mạnh hơn 50% so với năm 2018 và chỉ đạt 102 tỷ đồng; còn doanh thu từ sản xuất đất đèn và cho thuê mặt bằng tăng không đáng kể.
Nỗ lực tinh gọn bộ máy giúp CIC-5 giảm được gần một nửa chi phí quản lý doanh nghiệp, còn 7,9 tỷ đồng; nhưng các chi phí khác lại tăng gấp 18 lần so với năm 2018, lên 943,68 triệu đồng. Điều này khiến Công ty có lợi nhuận trước thuế chẳng mấy khá khẩm.
Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của CIC-5 chỉ dừng ở con số gần 779 triệu đồng, chưa bằng 2/3 con số năm 2018. Do đó, lãi cơ bản trên cổ phiếu CI5 cũng tuột dốc theo, khi giảm tới 64,7%, từ mức 509 đồng/cổ phiếu năm 2018 còn 209 đồng/cổ phiếu.
Năm 2019 được đánh giá là nhiều khó khăn với CIC-5, khi các chỉ tiêu đề ra đều không đạt. Đáng kể là doanh thu giảm mạnh so với năm 2018 và hiệu quả hoạt động không cao, CIC-5 thừa nhận điều này trong báo cáo thường niên được công bố giữa tháng 4/2020.
Theo lý giải của đại diện CIC-5, nguyên nhân của thực trạng trên xuất phát từ việc Chính phủ cắt giảm đầu tư công, dẫn đến các dự án có vốn ngân sách giảm đáng kể. Ngoài ra, việc Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (TPP) không đạt như kỳ vọng ban đầu cũng khiến số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn rất ít, dẫn đến cạnh tranh trong đấu thầu rất gay gắt và thị trường xây lắp co lại rất nhiều.
Trong đó, nguyên nhân chủ quan được doanh nghiệp này đưa ra là công tác thị trường của mình chưa có bước đột phá. Dù giá cả các nguyên vật liệu đầu vào của ngành xây dựng năm 2019 ít ảnh hưởng đến chi phí và giá vốn các sản phẩm kinh doanh của CIC-5, nhưng việc thi công và nghiệm thu các công trình bị kéo dài, cùng với việc giải ngân, quá trình hoàn tất hồ sơ thi công giữa chủ đầu tư và nhà thầu mất nhiều thời gian… đã ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của Công ty.
Hội đồng Quản trị CIC-5 đánh giá, doanh thu năm 2019 giảm mạnh, nhưng trước tình hình khó khăn, Ban Giám đốc Công ty đã chủ động, linh hoạt sắp xếp nhân sự, tổ chức lại mặt bằng Khu công nghiệp Biên Hòa 1, nỗ lực giảm vay nợ ngân hàng, nên vẫn bảo toàn được vốn của Công ty.
PGS-TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá, việc cả 3 chỉ số tài chính quan trọng của CIC-5, gồm lợi nhuận gộp, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đều đi xuống trong 4 năm liên tiếp, từ năm 2016 đến 2019 là dấu hiệu đáng báo động, không chỉ phản ánh vấn đề sức khỏe, mà còn về năng lực quản trị của doanh nghiệp.
Ông Long cho rằng, trong bối cảnh nguyên vật liệu đầu vào của ngành xây dựng năm 2019 ít ảnh hưởng đến chi phí và giá vốn của CIC-5, mà doanh thu chính từ hoạt động xây dựng vẫn giảm mạnh, thì cần phải xem lại năng lực kinh doanh trước khi các chỉ số tài chính lớn rơi vào vùng âm.
Lo ngại ẩn số năm 2020
Số lượng giao dịch cổ phiếu CI5 trên thị trường UPCoM từ ngày 17 đến 24/4 chỉ đạt 700 cổ phiếu, riêng các phiên 22/4 và 23/4 đều trắng bên mua. Cổ phiếu này chốt phiên 24/4 với giá 2.900 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá tham chiếu 3.200 đồng. Trong 7 ngày này, CI5 trượt giá 9,38%, nếu tính cả tháng qua, mã này đã lao dốc tới 23,68%. Đây cũng là diễn biến chung trên thị trường chứng khoán trong nước, khi hầu hết mã đều trôi dốc thời Covid-19.
CIC-5 cho rằng, năm 2020 sẽ là năm đan xen các cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp này. Chẳng hạn, kinh tế thế giới chưa có nhiều tín hiệu tích cực khi nhu cầu toàn cầu giảm sâu do đại dịch, những bất ổn chính trị ở một số khu vực trên thế giới có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính và giá cả hàng hóa trong nước.
Trong khi đó, yếu tố vĩ mô trong nước có liên quan đến ngành xây dựng như dự báo tăng trưởng GDP có cải thiện, nhưng chưa tăng cao và sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn là ẩn số.
Thời gian tới, CIC-5 tiếp tục đầu tư trang thiết bị thi công công nghệ mới thay thế dần phương tiện, thiết bị cũ, nhằm tăng tính thẩm mỹ, chất lượng và giảm giá thành công trình, cùng với đó là tập trung mở rộng thị trường xây lắp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu thường xuyên đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trẻ; đồng thời tích cực tìm phương án đầu tư tại Dự án 9X Chu Văn An - Bình Thạnh (TP.HCM).
Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng số 5 được chuyển đổi từ Công ty Xây lắp và Vật liệu Xây dựng số 5 theo Quyết định số 139/2004/QĐ-BCN ngày 22/11/2004 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương). Công ty hiện là thành viên của Tổng công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam - đơn vị nắm giữ 51% cổ phần tại CIC-5. Cổ phiếu CI5 chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM từ tháng 7/2011.