Sau một năm "bầm dập" vì Covid-19, doanh nghiệp dệt may, da giày hướng tới hình thành chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc nhập khẩu

Sau một năm "bầm dập" vì Covid-19, doanh nghiệp dệt may, da giày hướng tới hình thành chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc nhập khẩu

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 vẫn đang càn quét khắp thế giới, làm các nền kinh tế cô lập, các chuỗi cung ứng đứt gãy và sức cầu suy giảm. Trước tình hình khó khăn đó, ngành dệt may và da giày đang hướng tới hình thành chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu.

Ngày 11/12 tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề "Ngành dệt may – da giày Việt Nam: Tổng kết 1 năm sau Covid-19 và phát triển bền vững".

Đứt gãy chuỗi cung ứng, sức cầu sụt giảm

Đại dịch Covid-19 khiến tổng cầu trên toàn thế giới đối với mặt hàng dệt may, da giày giảm mạnh. Nhu cầu ở EU giảm 27% tiêu thụ giày và 45% quần áo. Nhu cầu ở Mỹ giảm 21% tiêu thụ giày và 40% quần áo. Giá nhập khẩu giảm mạnh, đến tháng 9/2020, giá hàng may mặc vào Mỹ đã giảm khoảng 13%.

Bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động cho biết, các doanh nghiệp dệt may và giày dép Việt Nam cũng chịu tác động mạnh. Có tới 94,2% doanh nghiệp da giày, 87,1% doanh nghiệp dệt may bị giảm đơn hàng, 84,5% doanh nghiệp da giày, 53,5% doanh nghiệp dệt may bị khách hoãn hủy đơn và 74,8% doanh nghiệp da giày, 22,9% doanh nghiệp dệt may không xuất khẩu được.

Theo báo cáo của nhóm hợp tác “Công - tư vì sự phát triển bền vững của ngành dệt may và da giày Việt Nam”, khoảng 65% các nhà máy may mặc và giày dép của Việt Nam vẫn nhận các đơn hàng xuất khẩu theo phương thức Cut-Make-Trim (CMT), tức là chỉ gia công sản phẩm chứ không tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị. Một mặt, các doanh nghiệp phụ thuộc tới 60% nguyên vật liệu từ Trung Quốc, mặt khác trên 90% sản lượng của họ dành cho xuất khẩu, trong đó phần lớn là thị trường châu Âu, Mỹ.

Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm

Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm

Về phần cung, có tới 61,8% doanh nghiệp may và 34% doanh nghiệp giày dép cho biết họ khó khăn nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Về phía cầu, có tới 84,5% doanh nghiệp giày dép - túi xách và 53,5% doanh nghiệp dệt may bị khách hàng hoãn, hủy đơn hàng. Có tới 74,8% nhà máy giày dép - túi xách sản xuất xong không thể xuất khẩu mà phải lưu kho, trong khi tỉ lệ này ở ngành may chỉ là 22,9%.

Trong các tháng 9 - 10, 75,3% doanh nghiệp may và 54,4% doanh nghiệp da giày vẫn còn hoạt động cầm chừng. Bồi thêm sự khó khăn cho họ là việc đa số các nhãn hàng vẫn chưa thanh toán hết cho các đơn hàng đã hoàn thành; gần 90% các nhà máy đều bị chậm thanh toán từ 1 đến 6 tháng, thậm chí lâu hơn; nhiều đơn hàng bị đòi giảm giá tới 70%; chỉ có 10% nhà máy trong hai ngành được thanh toán đầy đủ.

Có 11,2% doanh nghiệp dệt may và tới gần 40% doanh nghiệp giày dép cho biết tác động của đại dịch còn nặng nề hơn so với đầu năm; chỉ có 11,2% công ty dệt may và 5,8% công ty giày dép - túi xách, hầu hết là các doanh nghiệp quy mô lớn với trên 1.000 công nhân, cho biết khó khăn đã giảm và đang trên đà hồi phục.

Chiến lược khôi phục và phát triển

Đứt gãy chuỗi cung ứng, sức cầu sụt giảm đang gây tác động cực kỳ nghiêm trọng đến các doanh nghiệp trong dệt may – da giày, tuy nhiên nhưng các doanh nghiệp đã chống đỡ một cách bền bỉ và linh hoạt nhất có thể ở cả ở khâu cung ứng nguyên vật liệu lẫn đầu ra cho sản phẩm.

Theo Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động, dịch Covid-19 đã khiến cho các doanh nghiệp tăng mạnh nhu cầu liên kết với các doanh nghiệp khác tại Việt Nam để đảm bảo chuỗi cung ứng giảm phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu.

Nhu cầu liên kết giữa các doanh nghiệp trong dịch Covid-19 gồm: mua bán nguyên vật liệu trong nước để thay thế nguồn cung nhập khẩu bị gián đoạn hoặc có giá thành cao hơn; chia sẻ đơn hàng, đặc biệt giữa các công ty lớn và các công ty vừa và nhỏ; học hỏi kinh nghiệm của nhau như công nghệ, máy móc, thực hiện các tiêu chuẩn môi trường như xử lý nước thải, dùng năng lượng mặt trời... và các vấn đề khác.

Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG - sàn HNX), khi dịch Covid-19 xảy ra, việc đứt gãy nguyên phụ liệu từ nước ngoài khiến doanh nghiệp gặp khó, buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn cung từ các nhà cung ứng trong nước. Chính dịch COVID-19 đã kéo doanh nghiệp trong nước “lại gần” nhau hơn, kết nối tốt hơn.

Trong khi đó, khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động cho thấy, 46,6% doanh nghiệp đã thực hiện việc liên kết với doanh nghiệp khác và 39,5% dự định thực hiện việc liên kết trong thời gian từ 1-3 năm tới.

Còn ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thì cho rằng, ngoài động lực từ dịch Covid-19, việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ cũng đang thúc đẩy các nhà máy và cả nhãn hàng tăng cường mua bán nguyên vật liệu trong nước. Doanh nghiệp sợi trong nước đã tăng cường bán sợi cho nhiều doanh nghiệp FDI trong nước trong thời gian dịch.

Nhiều nhà máy may cho biết, họ thuyết phục nhãn hàng sử dụng vải và nguyên phụ liệu trong nước thay vì nhập khẩu hoàn toàn như trước đây để tận dụng được ưu đãi thuế quan qua hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Có tới gần một nửa nhãn hàng thời trang cho biết sẽ tăng mua từ Việt Nam sau dịch Covid-19. Một phần do chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng và một phần do các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam vừa tham gia. Số còn lại cân nhắc về việc thiếu nguyên phụ liệu khiến các nhãn hàng từ châu Âu và khối Hiệp định CPTPP không được hưởng ưu đãi thuế qua Hiệp định EVFTA và CPTPP.

Ngày càng nhiều các nhãn hàng tìm tới các quốc gia như Việt Nam trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung và giảm rủi ro cho chuỗi cung ứng. Với nhiều lợi thế, ngành dệt may Việt Nam cần tập trung vào dòng sản phẩm khó, giá trị cao bên cạnh cải thiện việc nâng cao uy tín quốc tế về khía cạnh môi trường và lao động để thu hút các nhãn hàng lớn, mở rộng thị phần, chiếm lĩnh vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị.

Tin bài liên quan