Ông Cao Văn Đức.

Ông Cao Văn Đức.

Sau khủng hoảng: Cơ hội để ngành ngân hàng phát triển

(ĐTCK) Ông Cao Văn Đức, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) cho rằng, khủng hoảng kinh tế làm lộ rõ nhiều yếu điểm của nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng (NH) nói riêng. Thời gian vừa qua, nhiều NH có điều kiện nhìn nhận lại năng lực của chính mình, sàng lọc, loại bỏ yếu tố bất lợi làm cơ sở để phát triển trong tương lai. Theo ông Đức, sau khủng hoảng cũng chính là cơ hội để các NH phát triển tốt hơn.

Trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, với NH nhỏ, thâm niên hoạt động khiêm tốn như VietBank có khó khăn trong bài toán cạnh tranh thu hút khách hàng, thưa ông?

Cạnh tranh thu hút khách hàng luôn khó khăn. Trong bối cảnh thị trường hiện nay, cạnh tranh sẽ càng khốc liệt và không loại trừ NH nào. VietBank là NH trẻ, nhưng ngay từ đầu, chúng tôi đã tạo dựng được nền tảng về công nghệ, nhân sự cùng định hướng kinh doanh, chính sách quản lý phù hợp. Đồng thời, Ngân hàng luôn coi trọng yếu tố con người và coi đó là chìa khóa của thành công. Giải pháp đầu tiên của VietBank để thu hút khách hàng là luôn luôn thấu hiểu, cung cấp sản phẩm chất lượng, dịch vụ tốt nhất và phục vụ khách hàng một cách tận tình.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khủng hoảng luôn tìm thấy cơ hội phát triển nếu biết nắm bắt thời cơ. Theo ông, cơ hội và thách thức đối với ngành NH sau khủng hoảng là gì?

Thời gian vừa qua, nhiều NH có điều kiện nhìn nhận lại năng lực của chính mình, sàng lọc, loại bỏ yếu tố bất lợi làm cơ sở để phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, sự phát triển này không nằm ngoài sự phát triển chung của nền kinh tế. Khiếm khuyết, bất cập của nền kinh tế có được nhận dạng và giải quyết không cũng chính là thách thức đối với ngành NH. Ngoài ra, Việt Nam vẫn được xem là thị trường tiềm năng của giới đầu tư, nhiều NH nước ngoài đang gia tăng sự hiện diện và mở rộng hoạt động, bất chấp khủng hoảng, tạo nên một môi trường cạnh tranh nóng bỏng, thách thức không nhỏ đối với NH trong nước.

Lãi suất tiền gửi liên tiếp được nhiều NH điều chỉnh, trong khi lãi suất cơ bản được giữ nguyên 7%/năm. Điều này có “bó buộc” NH?

Lãi suất cơ bản được NHNN duy trì ở mức 7%/năm, nhằm tạo sự ổn định thị trường tiền tệ, làm cơ sở để phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong hoạt động kinh doanh, tại từng thời điểm và ở những đối tượng khác nhau, NH có thể áp dụng chính sách lãi suất huy động cũng như cho vay khác nhau trên cơ sở định hướng quản trị lãi suất phù hợp với điều kiện thị trường và điều kiện nội tại của mỗi NH.

Dự báo tín dụng sẽ tăng chậm lại trong 6 tháng cuối năm. Ông có thể cho biết nhu cầu về vốn của khách hàng tại VietBank 6 tháng còn lại của năm 2009?

Chính phủ và NHNN có nhiều biện pháp hỗ trợ hiệu quả, kịp thời nên gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc. Vì vậy, một số ngành có biến chuyển tích cực và nhiều khả năng nhu cầu vay vốn của khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2009 sẽ gia tăng đáng kể. Tại VietBank, tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2009 rất tốt và chúng tôi đang tích cực chuẩn bị điều kiện về vốn, sản phẩm hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu về vốn của khách hàng từ nay đến cuối năm.