Ngay sau khi IPO thành công, Đạm Cà Mau sẽ tiến hành các thủ tục để đưa cổ phiếu lên niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM vào cuối quý I/2015. Nếu thành công, trường hợp của Đạm Cà Mau sẽ là một điển hình cho tiến trình IPO DNNN, vốn lâu nay bị phê phán rất nhiều trong việc chậm trễ đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch tập trung.
Vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa của Đạm Cà Mau dự kiến là 5.294 tỷ đồng; trong đó, cổ đông Nhà nước sở hữu 51%, chào bán cho NĐT chiến lược 24,36%, bán cổ phần ưu đãi cho người lao động 0,22% vốn, còn lại bán đấu giá công khai.
Ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty cho biết, nhằm đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư, ngay sau khi IPO thành công, Đạm Cà Mau sẽ tiến hành các thủ tục để đưa cổ phiếu lên niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM. Thời gian niêm yết dự kiến vào cuối quý I/2015.
Điều này có nghĩa là, Đạm Cà Mau và đơn vị tư vấn sẽ phải giải quyết một núi công việc mới có thể đảm bảo trong thời gian 3 tháng sau IPO đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung. Trước tiên là các công việc như tổ chức ĐHCĐ lần đầu, thực hiện đăng ký kinh doanh mới, bàn giao vốn Nhà nước sau cổ phần hóa…
Đợt IPO của Đạm Cà Mau được tiến hành trong bối cảnh thị trường đang khá thuận lợi, có khả năng thành công cao. Đồng thời, cơ quan quản lý vốn Nhà nước là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các thủ tục bàn giao vốn Nhà nước, xác nhận lại giá trị doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã thực hiện các thông lệ quản trị tiên tiến, hệ thống giấy tờ sổ sách do đó thống nhất, chặt chẽ và ít sai sót. Để thực hiện được kế hoạch niêm yết ngay sau IPO, hiện các bộ phận của Đạm Cà Mau và đơn vị tư vấn đang phải thực hiện song song nhiều công việc.
Lãnh đạo doanh nghiệp cũng đã có các buổi làm việc với đại diện Sở GDCK TP. HCM, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, lãnh đạo Bộ Tài chính để thống nhất các công việc có liên quan, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra, trước khi công bố cho các nhà đầu tư trên thị trường.
Nếu thành công, trường hợp của Đạm Cà Mau sẽ là một điển hình cho tiến trình IPO DNNN, vốn lâu nay bị phê phán rất nhiều trong việc chậm trễ đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch tập trung. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này, lại không đơn giản.
Trước hết, doanh nghiệp cần nhận được sự ủng hộ tối đa của các cơ quan quản lý có liên quan, đặc biệt là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.
Hiện nay, có rất nhiều DNNN sau cổ phần hóa tồn đọng nhiều thủ tục, gây khó khăn cho tiến trình niêm yết cổ phiếu. Đơn cử, Tổng công ty Điện tử Tin học Việt Nam – CTCP đã chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần hóa từ 3 năm nay vẫn chưa hoàn tất việc bàn giao vốn Nhà nước. Tổng công ty Sông Hồng – CTCP sau IPO không tổ chức ĐHCĐ trong 2 năm 2012-1013. Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội, Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn lấn cấn việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài…
Bản thân nhiều doanh nghiệp không chịu bất cứ chế tài nào nên rất e ngại việc đưa cổ phiếu lên sàn. Họ đưa ra nhiều lý do như thị trường không thuận lợi, doanh nghiệp chưa tái cấu trúc xong, chưa có nhu cầu huy động vốn và chưa theo kịp được các thông lệ quản trị khắt khe... để né việc đưa cổ phiếu lên niêm yết.
Sau IPO, doanh nghiệp chậm lên sàn đồng nghĩa với cổ phiếu kém thanh khoản, thông tin doanh nghiệp mù mờ, khả năng giám sát của nhà đầu tư đại chúng thấp, dẫn đến khó thay đổi quản trị doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh do vậy khó hiệu quả hơn.
Theo Nghị định 108/2013/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, áp dụng từ ngày 15/11/2013, trong thời hạn một năm, các doanh nghiệp đã IPO nhưng không niêm yết sẽ bị phạt tiền từ 100-150 triệu đồng. Ngoài ra, chứng khoán đã chào bán phải bị thu hồi và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, cộng thêm khoản lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn. Song Nghị định lại loại trừ các trường hợp chứng khoán không đủ điều kiện niêm yết. Đây có thể là kẽ hở để các doanh nghiệp lách luật.
Bên cạnh việc thúc đẩy DN IPO và hoàn tất cổ phần hóa, Nhà nước cần việc tạo ra các cơ chế giám sát và yêu cầu thực thi nghiêm túc việc đưa cổ phiếu lên sàn. Các quy định cần được chấp hành nghiêm túc để tạo một môi trường đầu tư minh bạch, công bằng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.