Hạn hán tại nhiều nơi trên thế giới đang ảnh hưởng đến sản lượng lương thực và thủy điện

Hạn hán tại nhiều nơi trên thế giới đang ảnh hưởng đến sản lượng lương thực và thủy điện

Sau hạn hán là... bão giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tình trạng hạn hán tại Trung Quốc và nhiều nước châu Âu cũng như không ít khu vực khác trên thế giới đang rất nghiêm trọng.

Trung Quốc: Sông dần trơ đáy

Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc hôm 24/8 cho biết, hạn hán nghiêm trọng do nắng nóng đã lan ra khoảng một nửa diện tích cả nước, bao gồm cả cao nguyên Tây Tạng vốn thường xuyên lạnh giá.

Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, khu vực miền Nam đang trong giai đoạn nắng, hạn hán dài nhất kể từ khi bắt đầu lưu dữ liệu thời tiết từ hơn 60 năm trước. Mực nước ở con sông dài nhất Trung Quốc và lớn thứ ba thế giới là sông Dương Tử đang thấp kỷ lục, nhiều đoạn cạn trơ đáy. Mực nước tại hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc đã giảm tới 75%, mức thấp nhất kể từ năm 1951.

Việc vận chuyển hàng hóa qua các đoạn đường thủy trọng yếu bị ngừng trệ làm dấy lên những lo lắng về chuỗi cung ứng tại trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, nước sông cạn kiệt làm sản lượng của nhiều nhà máy thủy điện sụt giảm. Theo Bloomberg, sản lượng điện từ đập Tam Hiệp - đập thủy điện lớn nhất thế giới hiện giảm khoảng 40% so với năm ngoái.

Thiếu điện khiến không ít thành phố phải cắt điện luân phiên và nhiều nhà máy sản xuất phải tạm ngừng hoạt động.

Đáng lưu ý, thời tiết khắc nghiệt xảy ra vào thời điểm quan trọng đối với lúa, đậu tương và các cây trồng thâm canh khác trước vụ thu hoạch mùa Thu. Trong khi đó, thu hoạch vụ Thu chiếm tới 75% sản lượng lương thực hàng năm của Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về an ninh lương thực.

Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 24/8 đã phải công bố trợ cấp 10 tỷ nhân dân tệ (1,45 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nông dân trồng lúa đang chịu hạn hán.

Tính riêng một số tỉnh như Tứ Xuyên, Hà Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, An Huy và Trùng Khánh, hạn hán đã ảnh hưởng đến ít nhất 2,46 triệu người và 2,2 triệu héc-ta đất nông nghiệp.

Trước đó, theo Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp của Trung Quốc, chỉ riêng nhiệt độ cao trong tháng 7 đã gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 2,73 tỷ nhân dân tệ (hơn 400 triệu USD), ảnh hưởng đến 5,5 triệu người. Trong đó, hơn 780.000 người cần sự hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ.

Châu Âu: Đất đai khô cằn

Đài quan sát hạn hán toàn cầu cho biết, châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm qua. Đất đai ngày càng khô cằn do các đợt nắng nóng liên tiếp và thiếu mưa kéo dài đang ảnh hưởng tới 47% diện tích lục địa (đất khô cằn, thuộc tình trạng “báo động”), 17% diện tích trong tình trạng “báo động đỏ” (thiếu nước trầm trọng).

Tình trạng khô hạn đã và đang ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, gây cháy rừng và có thể kéo dài thêm vài tháng ở một số khu vực phía Nam châu Âu. Ngoài ra, gần như toàn bộ sông ở châu Âu ghi nhận mực nước giảm hoặc khô cạn, tác động đến vận tải đường thuỷ và sản lượng điện, trong khi lĩnh vực năng lượng vốn đang gặp khủng hoảng.

Từ đầu năm 2022 đến nay, có ít nhất 660.000 ha rừng đã bị cháy do nắng nóng, chủ yếu diễn ra ở Tây Ban Nha, Romania, Bồ Đào Nha; sản lượng thủy điện tại Đức giảm khoảng 20%, tại Pháp là gần 50% (tính cả điện hạt nhân, vì nhà máy phải ngừng hoạt động do nước sông quá ấm, không thể sử dụng để làm mát các lò phản ứng của nhà máy điện)...

EU dự báo, sản lượng ngô, ngũ cốc năm nay sẽ giảm 16%, đậu tương giảm 15%, hoa hướng dương giảm 12% so với mức trung bình 5 năm trước.

Nguy cơ thiếu hụt lương thực gia tăng

ThS. Hoàng Hải Ninh, giảng viên bộ môn Kinh tế đầu tư, Học viện Tài chính cho rằng, với tình trạng hạn hán khắc nghiệt và kéo dài, nguồn cung nông sản trên thế giới sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Các nước EU và nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới cần tìm nguồn cung cấp ngũ cốc và nông sản thay thế để bù đắp cho nguồn cung cũ bị thiếu hụt.

Bên cạnh tác động của dịch Covid-19, xung đột Nga - Ucraine thì tình trạng hạn hán kéo dài ở Trung Quốc và châu Âu đang khiến thế giới đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lương thực.

Trước đó, Nga và Ukraine cung cấp khoảng 30% nhu cầu lúa mì toàn cầu, nhưng chiến sự nổ ra giữa hai nước này khiến thế giới đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp và chủ nghĩa bảo hộ lương thực trỗi dậy ở nhiều nước. Ngày 23/5/2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết về “Tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu” mà không cần bỏ phiếu.

Gạo là một trong 3 loại ngũ cốc phổ biến nhất trên thế giới, sau ngô và lúa mì, trong đó, lúa mì và gạo chủ yếu phục vụ nhu cầu của con người.

Trước sự hạn chế của nguồn cung lúa mì trên thế giới, nhu cầu sử dụng gạo gia tăng.

Năm ngoái, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, với 7,7 triệu tấn, sau Ấn Độ (10,2 triệu tấn). Theo Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2022, cả nước xuất khẩu gần 4,08 triệu tấn gạo, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tin bài liên quan