Năm 2023, PVOIL đạt tổng doanh thu 103,6 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 621 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận công ty mẹ là 501 tỷ đồng. PVOIL đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm được ĐHCĐ giao, trong đó các chỉ tiêu quan trọng gồm sản lượng kinh doanh xăng dầu, doanh thu, lợi nhuận đều hoàn thành vượt mức rất xa kế hoạch năm.
Có được kết quả trên là do PVOIL đã ứng phó tốt với những biến động về giá dầu và nguồn cung trên thị trường, áp dụng đồng bộ các giải pháp kinh doanh, tận dụng tối đa các cơ hội thị trường, phát huy tốt chuỗi liên kết nguyên liệu- sản xuất- tồn chứa, phân phối trong lĩnh vực dầu thô và sản phẩm dầu với các đơn vị trong ngành.
Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT PVOIL chia sẻ, năm 2023 tiếp tục là một năm thành công của PVOIL. Có rất có nhiều số liệu nói lên điều đó nhưng trước tiên là duy trì tăng trưởng sản lượng xấp xỉ 30% trong 2 năm liên tiếp. Doanh thu cũng đạt cột mốc quan trọng trên 100 nghìn tỷ đồng dù giá dầu năm 2023 thấp hơn 2022, nhờ tăng sản lượng mạnh mẽ. Năm 2023 là năm đầu tiên PVOIL phát triển mới 107 cây xăng gấp đôi so với kế hoạch đặt ra theo cả hai hình thức đầu tư dài hạn hoặc thuê mới. Quý I vừa qua, đã phát triển thêm 33 cây xăng mới.
Nhà đầu tư đặt câu hỏi rằng, với tốc độ tăng trưởng như vậy nhưng kế hoạch năm 2024, PVOIL đặt doanh thu chỉ bằng 80%, và sản lượng chỉ bằng 87% đến 95% thực hiện của năm 2023, có quá an toàn thận trọng?
Ông Dương phân tích, tăng trưởng sản lượng gần 30% với công ty xăng dầu là trường hợp cá biệt chưa từng có nhờ Chính phủ đã đầy mạnh lành mạnh hóa thị trường xăng dầu. Các đầu mối kinh doanh không đủ điều kiện rút lui khỏi thị trường nên PVOIL có điều kiện chiếm lĩnh thị trường. Đến thời điểm thị trường đã thanh lọc xong thì cơ hội này không còn, PVOIL sẽ tăng trưởng sản lượng theo đà tăng trưởng chung. Tăng trưởng xăng dầu thông thường gấp rưỡi tăng trưởng GDP.
Ông Cao Hoài Dương – Chủ tịch HĐQT (bên phải) và ông Đoàn Văn Nhuộm – Tổng Giám đốc PVOIL (bên trái) giải đáp các nội dung cổ đông, nhà đầu tư quan tâm |
“PVOIL đặt mục tiêu tăng trưởng bằng thị trường và không thể hứa trước về mức tăng cao hơn nhưng trong thực tế sẽ tận dụng mọi cơ hội để tăng trưởng, không bỏ lỡ một cơ hội nào”, ông Dương nhấn mạnh.
Dưới góc độ điều hành, ông Đoàn Văn Nhuộm, Tổng giám đốc PVOIL cho biết, sản lượng xăng dầu phụ thuộc vào sự phát triển của công nghiệp, tăng trưởng kinh tế chứ chưa bị ảnh hưởng của xe điện và trong tầm nhìn đến 2030 có thể bị ảnh hưởng nhưng cũng chưa nhiều. PVOIL đã quan tâm đến chuyển dịch năng lượng và xe điện từ lâu, đã thuê tư vấn nước ngoài để cập nhật về chuyển dịch năng lượng. Gần đây tư vấn cho biết xu hướng chung là đến 2030, năng lượng xăng dầu vẫn tiếp tục là chủ đạo, xe điện vẫn tiếp tục phát triển nhưng chưa ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ xăng dầu. Tại Việt Nam, hàng năm cấp biển mới khoảng 500.000 ô tô, thì xe điện chỉ từ 20 đến 30.000 xe. PVOIL vẫn tập trung tiêu thụ xăng dầu nhưng không bỏ qua một cơ hội nào từ phát triển xe điện.
Hiện nay, PVOIL đã có 322 cây xăng kết hợp trạm sạc với 1.800 điểm sạc, đem lại doanh thu và cũng là lợi nhuận đáng kể của công ty con. Doanh thu đến từ trạm sạc vẫn ghi nhận đều thông qua phí vận hành và doanh thu được chia khi xe vào sạc đang tăng dần.
Thông tin được cổ đông lớn và nhà đầu tư quan tâm nhất là việc phát triển các dịch vụ phi xăng dầu của PVOIL tại hệ thống cửa hàng xăng dầu trải dài trên cả nước. Ông Dương cho biết, PVOIL đã đầu tư thí điểm một số cửa hàng tiện dụng ở những điểm bán mà thị trường có nhu cầu. Tuy chưa đánh giá doanh thu riêng từ cửa hàng tiện ích nhưng khi công ty mở cửa hàng thì sản lượng bán xăng dầu tăng lên và tổng hòa lại thì cây xăng có hiệu quả cao hơn so với khi chưa có cửa hàng tiện ích.
“Chúng tôi đang trong giai đoạn đàm phán với một thương hiệu café nổi tiếng có độ phủ lớn ở Việt Nam để cùng đầu tư điểm bán café giải khát một cách linh hoạt với quy mô khác nhau là cửa hàng, ki ốt hay là xe lưu động ở cây xăng có cơ hội kinh doanh”, ông Dương tiết lộ.
Đối với mảng kinh doanh nhiên liệu máy bay, ông Nhuộm cho biết, Tổng công ty dự kiến triển khai xây dựng hạ tầng kho chứa ở cạnh sân bay Cam Ranh, trong đó có kho chứa để kinh doanh nhiên liệu máy bay, vào cuối năm nay. Khi kho chứa hoàn thành PVOIL đủ điều kiện để kinh doanh nhiên liệu cho máy bay.
Cho đến thời điểm này, trong báo cáo tài chính kiểm toán năm, PVOIL đã tháo gỡ được 2 trong 3 điểm ngoại trừ trong năm trước, là lý do cổ phiếu OIL bị đưa vào diện cảnh báo dù các điểm loại trừ này phát sinh từ trước cổ phần hóa. Điểm loại trừ còn lại là khoản đầu tư vào CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí là chủ đầu tư Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ chưa làm thủ tục phá sản nên chưa có sở trích lập dự phòng. Điểm này nằm ngoài khả năng của PVOIL, nhưng công ty sẽ thuyết phục các cổ đông của dự án Nhiên liệu Phú Thọ làm thủ tục phá sản, để có cơ sở trích lập dự phòng, từ đó đưa cổ phiếu OIL ra khỏi diện cảnh báo.