Sáu giải pháp điều hành tín dụng trọng tâm

Sáu giải pháp điều hành tín dụng trọng tâm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chủ động, quyết liệt triển khai hiệu quả nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho sản xuất - kinh doanh, góp phần khôi phục và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Một số kết quả tích cực được ghi nhận.

Về hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, NHNN đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng, trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm), sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho TCTD giảm lãi suất cho vay. Thường xuyên chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng.

Kết quả đạt được là, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này được duy trì trong hơn nửa năm 2021 với mức giảm thêm khoảng 0,66%/năm. Bên cạnh đó, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng dịch với dư nợ gần 3,79 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến cuối tháng 10/2021, tổng số tiền lãi các TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 31.400 tỷ đồng.

TS. Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
TS. Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Về điều hành tín dụng: Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát được Quốc hội và Chính phủ đề ra, NHNN xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho cả năm, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; thường xuyên rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và quản trị, điều hành, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, ưu tiên TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Đến cuối tháng 10/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,99 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020, tín dụng đối với các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ 2020, tín dụng lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng cao hơn nhiều tăng trưởng tín dụng chung. Riêng khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh đã được TCTD cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến 31/10/2021 đạt trên 7 triệu tỷ đồng cho hơn 1,2 triệu khách hàng.

Xây dựng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ: NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 và Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 tạo khuôn khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề; giúp khách hàng được cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền, mà không bị chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn; khuyến khích TCTD cho vay mới để khách hàng duy trì, phục hồi sản xuất - kinh doanh. Đến cuối tháng 10/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 500.000 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ trên 260.000 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/1/2020 khoảng 550.000 tỷ đồng.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Một là, kịp thời ban hành các Thông tư hướng dẫn và thực hiện tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm để cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc theo Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 154/NQ-CP (quy mô 16.000 tỷ đồng); để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ (quy mô 7.500 tỷ đồng). Đến ngày 8/11/2021, NHNN đã giải ngân tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội tổng số tiền 749,52 tỷ đồng để thực hiện cho vay đối với 1.449 đơn vị sử dụng lao động trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất cho 209.280 lượt người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hai là, triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã ban hành thông tư quy định về tái cấp vốn đối với TCTD sau khi TCTD cho Vietnam Airlines vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của doanh nghiệp này do ảnh hưởng dịch. Đến nay, NHNN đã quyết định tái cấp vốn cho các ngân hàng SeAbank, MSB, SHB (tổng số tiền 4.000 tỷ đồng) để các ngân hàng cho vay Vietnam Airlines, đồng thời Vietnam Airlines và 3 ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ và thực hiện giải ngân cho vay.

Việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Ngoài ra, NHNN đã chỉ đạo các TCTD nghiêm túc triển khai các giải pháp cấp bách của ngành để tăng cường phòng chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh; tổ chức các hội nghị trực tuyến toàn ngành, hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các địa phương về tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn; ban hành Chương trình hành động của ngành ngân hàng triển khai Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững; tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không tư nhân theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; chỉ đạo các TCTD có giải pháp hỗ trợ tín dụng phục vụ thu mua lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm giải quyết tình trạng ùn ứ do cách ly, phong tỏa tại các tỉnh phía Nam.

Trong thời gian tới, để hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19, NHNN sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp điều hành tín dụng trọng tâm như: Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thứ hai, tiếp tục đánh giá thực trạng khó khăn của nền kinh tế, các ngành nghề, loại hình doanh nghiệp và vai trò, khả năng phục hồi, phát triển bền vững của các đối tượng này trong nền kinh tế để chỉ đạo các TCTD có chính sách ưu tiên, hỗ trợ và tập trung tín dụng nhằm góp phần khôi phục kinh tế.

Thứ ba, tiếp tục theo dõi, đôn đốc các TCTD triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch, tích cực thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán.

Thứ tư, phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội theo dõi, đôn đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đẩy mạnh triển khai cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất - kinh doanh theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 123/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

Thứ năm, chỉ đạo các TCTD chú trọng cho vay phục vụ đời sống, nhu cầu vốn chính đáng của người dân; tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt các chương trình tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ sáu, phối hợp các bộ, ngành trong xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế là trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh và kéo dài tại các địa phương, các khu công nghiệp là động lực cho tăng trưởng, sự gián đoạn và đứt gãy của các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, áp lực giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào gia tăng, việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức để vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống TCTD.

Bên cạnh đó, khi cầu tín dụng tiếp tục tăng thấp, khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ trong thời gian dài có thể khiến các khoản nợ này tiềm ẩn trở thành nợ xấu trong tương lai, gây áp lực về rủi ro tín dụng cho các TCTD. Do đó, bên cạnh các giải pháp, công cụ điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của ngành ngân hàng, cần đẩy mạnh, phát huy hơn nữa công cụ chính sách tài khóa, hỗ trợ tài chính từ nguồn ngân sách và phát huy vai trò của các công cụ tài chính nhà nước thông qua hỗ trợ từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách; phối hợp, triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ, phát triển ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành kinh tế được xem là bệ đỡ, động lực và có khả năng phục hồi, ổn định trong và sau đại dịch.

Tin bài liên quan