Phố Wall liên tiếp lập đỉnh cao mới - Ảnh: Reuters

Phố Wall liên tiếp lập đỉnh cao mới - Ảnh: Reuters

Sau ECB, dữ liệu việc làm Mỹ lại giúp chứng khoán lập đỉnh

(ĐTCK) Sau quyết định lịch sử của ECB, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ được công bố hôm thứ Sáu tiếp tục vững chắc giúp chứng khoán Âu, Mỹ tiếp tục lập đỉnh, trong khi đà hưng phấn của vàng nhanh chóng bị dập tắt.

Dữ liệu được thị trường chờ đợi nhất đã được công bố hôm thứ Sáu với kết quả khả quan như dự báo. Theo đó, trong tháng 5, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 217.000 công ăn việc làm đã được tạo thêm, dù ít hơn một chút so với dự báo nhưng đây là lần đầu tiên từ tháng 1/2000, số việc làm tạo thêm trên 200.000 trong 4 tháng liên tiếp. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ ổn định ở mức 6,3%. Dữ liệu này cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đi đúng quỹ đạo hồi phục.

Thông tin tích cực này giúp Phố Wall tiếp tục tăng điểm trong phiên cuối tuần, trong đó, S&P 500 và Dow Jones tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới và là phiên thứ 6 trong 7 phiên gần đây S&P 500 xác lập đỉnh cao mới.

Trong khi đó, chỉ số VIX đo lường sự sợ hải của Phố Wall lại giảm mạnh 8,1%, xuống 10,73, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2007.

Kết thúc phiên 6/6, chỉ số Dow Jones tăng 88,17 điểm (+0,52%), lên 16.924,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,98 điểm (+0,46%), lên 1.949,44 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 25,17 điểm (+0,59%), lên 4.321,40 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,2%, chỉ số S&P 500 tăng 1,3% và chỉ số Nasdaq tăng 1,9%.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục duy trì đà tăng khá trong phiên cuối tuần nhờ những ảnh hưởng từ quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra hôm thứ Năm. Ngoài ra, chứng khoán châu Âu còn được hưởng lợi từ thông tin tích cực của thị trường lao động Mỹ được công bố phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 6/6, chỉ số FTSE tại Anh tăng 44,72 điểm (+0,66%), lên 6.858,21 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 39,36 điểm (+0,40%), lên 9.987,19 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 32,39 điểm (+0,71%), lên 4.581,12 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE tăng nhẹ 0,2%, chỉ số DAX tăng 0,44% và chỉ số CAC40 tăng 1,36%.

Trong khi đó, chứng khoán châu Á đã đảo chiều giảm điểm do áp lực chốt lời khi các thị trường chính của khu vực đều có chuỗi tăng điểm dài với mức tăng mạnh. Dù giảm nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Á vẫn có tuần tăng thứ 4 liên tiếp.

Kết thúc phiên 6/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 2,13 điểm (-0,01%), xuống 15.077,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 158,66 điểm (-0,69%), xuống 23.951,00 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 10,92 điểm (-0,54%), xuống 2.029,96 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng mạnh 3,04%, chỉ số Hang Seng tăng 3,77% và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,45%.

Báo cáo việc làm khả quan của Mỹ khiến đà tăng của vàng bị chặn lại sau 1 phiên hứng khởi với quyết định lịch sử của ECB.

Kết thúc phiên 6/6, giá vàng giao ngay giảm 0,9 USD (-0,07%), xuống 1.252,30 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 0,9 USD (-0,07%), xuống 1.252,1 USD/ounce.  Trong tuần, giá vàng chỉ tăng nhẹ 1 USD (+0,08%), giá vàng tương lai tăng 0,52%.

Trong khi đó, giá dầu lại được hưởng lại từ bảng lương phi nông nghiệp tích cực của Mỹ. Kết thúc phiên 6/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,18 USD (+0,18%), lên 102,66 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,18 USD (-0,17%), xuống 108,61 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 0,05%, giá dầu thô Brent giảm 0,73%.

Tin bài liên quan