Về đích sớm
Thực tế, việc hoàn thành kế hoạch xuất khẩu trước hẹn của ngành xi măng đã được dự báo từ cuối tháng 10, khi sản lượng xuất khẩu đã đạt ngưỡng hơn 15 triệu tấn, với kim ngạch 532,3 triệu USD, tăng 23,9% về lượng và 14,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.
Cụ thể, tiêu thụ xi măng 11 tháng năm 2017 đạt khoảng 72,79 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 91% kế hoạch cả năm.
Trong khi xuất khẩu tăng nhanh, thì tiêu thụ nội địa không tăng như kỳ vọng. 11 tháng qua, tiêu thụ nội địa mới đạt khoảng 55,63 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ. Còn nếu so với mục tiêu tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa, thì mới chỉ đạt gần 87% kế hoạch.
Việc thực thi chính sách về thuế xuất khẩu 5% và không được hoàn thuế VAT đã giảm sức cạnh tranh của xi măng trong nước.
Theo số liệu 10 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu clinker và xi măng tăng cả lượng và giá trị. Đặc biệt, nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tăng gấp hơn 5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2016, với 161.000 tấn, trị giá 4,8 triệu USD.
Trong số các thị trường nhập khẩu clinker và xi măng của Việt Nam thì Bangladesh là thị trường chủ lực, chiếm 40% tổng lượng xuất khẩu, đạt 6,1 triệu tấn, với kim ngạch là 181,4 triệu USD, tăng 61,05% về lượng và tăng 57,86% về giá trị so với cùng kỳ 2016. Đứng thứ hai là thị trường Philippines (3,7 triệu tấn, 165 triệu USD); thứ 3 là Đài Loan (968.200 tấn, 28,9 triệu USD)…
Góp công lớn trong việc đưa xuất khẩu xi măng về đích trước hẹn là những doanh nghiệp quy mô lớn như Vicem, The Vissai, Thăng Long, Nghi Sơn…
Với quy mô sản lượng xấp xỉ 15 triệu tấn, trong đó, Nhà máy Xi măng Sông Lam với 2 dây chuyền, mới đưa vào vận hành chưa đầy năm, nhưng Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam xác nhận, cả 2 dây chuyền mới đã vận hành hết công suất để kịp đáp ứng đơn hàng.
“Xuất khẩu chiếm một tỷ lệ lớn gần 30% trong tiêu thụ sản phẩm của toàn bộ các nhà máy xi măng của The Vissai.”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xi măng The Vissai cho hay.
Kỳ vọng xuất khẩu 2018
Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, kết quả xuất khẩu vượt chỉ tiêu của ngành xi măng trong năm 2017 rất đáng ghi nhận, bởi hơn một năm qua, doanh nghiệp phải chịu thuế xuất khẩu xi măng 5%, gây khó trong việc cạnh tranh với các đối tác trong khu vực.
Theo quy định tại Nghị định 100/2016/NĐ - CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên, thì không được áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu.
Theo ý kiến phản hồi từ nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng, việc thực thi chính sách về thuế xuất khẩu 5% và không được hoàn thuế VAT đã giảm sức cạnh tranh của xi măng trong nước.
Theo khảo sát về diễn biến giá xuất khẩu, thì giá xuất khẩu xi măng, clinker năm 2017 có mức giảm so với giai đoạn trước. Hiện tại, giá FOB clinker ở mức 29 - 30 USD/tấn (giảm 25% so với năm 2014), xi măng là 45 - 50 USD/tấn, so với mức 56 - 60 USD/tấn của 2 năm trước.
Với quy mô công suất gần 100 triệu tấn, xuất khẩu đang là lời giải duy nhất cho tình trạng cung vượt nhu cầu tiêu thụ trong nước của ngành công nghiệp xi măng.
Và sau nhiều lần kêu cứu, mới đây, các doanh nghiệp xi măng trong nước được “thở phào”, khi tại Hội nghị Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2017, ông Vũ Ngọc Anh, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 100/2016/NĐ - CP, nhằm đưa thuế xuất khẩu xi măng về 0% để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành xi măng.
“Với việc sửa đổi này, chúng tôi đã nhận được ý kiến đồng tình từ 16 thành viên Chính phủ. Cơ quan hữu trách đang tiếp tục thực hiện giải trình để có thể sớm ký ban hành”, ông Anh thông báo.
Nếu dự thảo trên sớm được thông qua, đây sẽ là một tin vui với không nhỏ với các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng trong nước và chính sự tháo gỡ quan trọng đó sẽ tạo thêm động lực để gia tăng xuất khẩu cho ngành công nghiệp xi măng trong năm 2018.