Năm 2022, nhiều yếu tố chi phối TTCK
Thời gian vừa qua, TTCK toàn cầu đã chịu tác động mạnh bởi lộ trình tăng lãi suất nhanh và đẩy mạnh thu hẹp chính sách tiền tệ của các NHTW lớn trên thế giới, đặc biệt là FED. Lãi suất điều hành của một số nước lớn đã liên tục tăng, lên mức cao nhất của hơn một thập kỷ.
Trong bối cảnh thị trường thế giới suy giảm mạnh, TTCK Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tại Việt Nam, việc mặt bằng lãi suất tăng cao, nhà đầu tư nước ngoài cùng với một số biến động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tạo ra tâm lý chờ đợi cho nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào thị trường cổ phiếu.
Tính đến thời điểm tháng 11/2022, chỉ số VN-Index giảm xấp xỉ 40% và HNX-Index giảm khoảng 69% về điểm số, điều đã đưa TTCK Việt Nam lên Top các thị trường có mức giảm mạnh nhất trong năm 2022.
Trong bối cảnh thị trường chung giảm mạnh, toàn bộ các nhóm ngành cũng không thoát khỏi xu thế giảm sâu trong năm 2022. Trong đó, các nhóm ngành giảm mạnh nhất bao gồm Dịch vụ tài chính (-60,28%), Tài nguyên cơ bản (-51,58%), Xây dựng và vật liệu (-46,16%), Hóa chất (-42,42%), Bất động sản (-42,16%), Dầu khí (-34,74%). Ngay cả các ngành chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng cũng chịu mức giảm giá mạnh kể từ đầu năm đến nay.
Không chỉ bị tác động tiêu cực về mặt điểm số, thanh khoản thị trường cũng sụt giảm đáng kể trong năm 2022. Thực tế cho thấy, trong bối cảnh thị trường bất ổn, mặt bằng lãi suất tăng cao khiến cho sự hấp dẫn của kênh chứng khoán giảm đi, một bộ phận không nhỏ dòng tiền trên thị trường bị phân tán sang các kênh đầu tư khác.
Dòng tiền trên thị trường đã bị hút vào các đợt phát hành tăng vốn của các doanh nghiệp niêm yết trong các năm 2020 và 2021. Các CTCK khó tiếp cận vốn, tăng vốn cũng khiến cho quy mô margin không có sự tăng trưởng.
Bên cạnh đó, các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất như ngân hàng và bất động sản đang thiếu các câu chuyện đủ hấp dẫn trong ngắn hạn khiến nhà đầu tư bớt quan tâm, từ đó cũng làm giảm quy mô giao dịch, ảnh hưởng tới thanh khoản thị trường.
Tính đến giữa tháng 11/2022, tổng giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên trên cả 3 sàn đạt mức 21.706 tỷ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Lọc cơ hội 2023
Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC). |
Năm 2023 với những rủi ro đã được nhận diện nên khả năng thị trường sẽ có diễn biến ổn định hơn so với năm 2022.
Những rủi ro vẫn tồn tại, có thể liệt kê một số yếu tố bất lợi cho thị trường chứng khoán trong năm 2023 như kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, nhiều quốc gia lớn đối mặt nguy cơ suy thoái, lo ngại thị trường bất động sản có những điều chỉnh, chính sách tiền tệ vẫn chưa theo chiều hướng nới lỏng khiến lợi nhuận của các ngân hàng nói riêng và các doanh nghiệp niêm yết nói chung sẽ tăng trưởng thấp.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần thêm thời gian để cơ cấu lại, một số doanh nghiệp có khó khăn về dòng tiền cũng sẽ ảnh hưởng không tích cực tới thị trường cổ phiếu. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng tới sự phân bổ tài sản, chi phí vốn của nhà đầu tư, mức định giá của doanh nghiệp cũng sẽ bị điều chỉnh giảm.
Tuy còn tiềm ẩn rủi ro và thiếu vắng các yếu tố hỗ trợ ngắn hạn, nhưng chúng tôi vẫn nhìn thấy các yếu tố sẽ hỗ trợ tích cực tới triển vọng thị trường năm tới như áp lực đồng USD tăng giá giảm bớt, từ đó giảm áp lực lên tỷ giá, mặt bằng lãi suất trong nước và tiến tới có dư địa để xem xét về room tín dụng cho các doanh nghiệp.
Một số yếu tố dài hạn khác như mức định giá rẻ, các yếu tố tạo kỳ vọng trong trung - dài hạn như việc nâng hạng thị trường, Trung Quốc bỏ chính sách zero covid-19 và mở cửa trở lại các hoạt động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine sớm hạ nhiệt, và kỳ vọng sẽ có những chính sách của Chính phủ ngay từ đầu năm 2023 để có thể tháo gỡ những khó khăn hiện nay.
Triển vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ là vấn đề được thị trường chú ý. Theo dự báo của BVSC, kết quả kinh doanh cả năm 2022 của BVS-70 (70 cổ phiếu vốn hóa lớn theo lựa chọn của BVSC) vẫn tăng trưởng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sang năm 2023, BVSC dự báo lợi nhuận sau thuế của BVS-70 chỉ còn tăng trưởng dưới 10%.
Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm đáng kể, cho thấy thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh trong năm tới. Các cơ hội đầu tư lớn sẽ chỉ tập trung ở một số ít nhóm cổ phiếu.
Về thanh khoản của thị trường, mặc dù sẽ tiếp tục suy giảm trong ngắn hạn, nhưng dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân sẽ nhanh chóng quay lại ngay khi thị trường tăng điểm trở lại và xuất hiện nhiều cơ hội hơn.
Tỷ lệ giá trị giao dịch/vốn hóa hiện đã giảm về mức trung bình 8 năm, nhưng nếu nhìn trong bối cảnh xu hướng lãi suất vẫn có thể tăng tiếp thì thanh khoản chung của thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong năm 2023.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, với tính chất linh hoạt của nhà đầu tư cá nhân cùng triển vọng kém đi của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, thì chỉ cần thị trường cổ phiếu ổn định, tăng điểm trở lại sẽ nhanh chóng thu hút được dòng tiền quay lại thị trường.
Dòng vốn ngoại vào thị trường qua kênh ETF được kỳ vọng sẽ tiếp tục là điểm sáng trong năm 2023. Luật Chứng khoán mới đã có hiệu lực, Hệ thống công nghệ thông tin mới của HOSE được đưa vào vận hành sẽ giúp triển vọng nâng hạng thị trường vào FTSE trong năm 2023 trở nên thực tế hơn. Đây là cơ sở để kỳ vọng hút thêm dòng tiền ngoại vào thị trường Việt Nam.
Khó khăn ngắn hạn nhưng cơ hội lớn đang ở phía trước nhờ mức định giá rẻ và triển vọng nâng hạng thị trường khi hệ thống giao dịch mới được đưa vào hoạt động. Mức định giá P/E của VN-Index đã về mức thấp quanh 10.x lần.
Dù trong ngắn hạn, mức PE hợp lý của thị trường có thể chịu ảnh hưởng bởi mặt bằng lãi suất cao lên và đóng góp lớn từ lợi nhuận cao, PE thấp của các cổ phiếu ngân hàng, nhưng theo quan sát của chúng tôi, các vùng tạo đáy của các chu kỳ tăng trưởng lớn của VN-Index trong quá khứ thường rơi vào khoảng P/E từ 8.x-10.x lần. Như vậy, có thể xem đây là vùng định giá tương đối hấp dẫn cho dòng tiền đầu tư trung - dài hạn giải ngân.
Mặc dù vậy, nhìn về triển vọng của thị trường trong năm 2023, các yếu tố hỗ trợ cho đầu tư dài hạn xuất hiện như định giá hấp dẫn, môi trường lạm phát thế giới có thể đạt đỉnh, tính thích ứng của nền kinh tế thế giới với những bất ổn địa chính trị hay triển vọng thị trường Việt Nam sớm được nâng hạng..., nhưng dòng tiền sẽ là yếu tố quan trọng nhất để giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư vượt qua khó khăn hiện nay.
Các cơ hội đầu tư chúng tôi nhìn nhận được trong năm tới cũng xuất phát từ yếu tố như doanh nghiệp nào có dòng tiền tốt, cơ cấu tài chính an toàn, hay các cổ phiếu có P/B thấp với giá trị tài sản chất lượng.
Nhìn ở cơ hội cụ thể, một số nhóm có thể đáng quan tâm như nhóm sản xuất hưởng lợi từ chi phí đầu vào, thị trường tiêu thụ ổn định, và tình hình tài chính tốt có VNM, BMP, SAB. Nhóm cổ phiếu bán lẻ, phân phối, hàng tiêu dùng dù sẽ chịu áp lực từ gia tăng chi phí vốn lưu động nhưng được hỗ trợ từ thị trường nội địa tốt như MWG, PNJ, DGW, MSN. Các ngành miễn nhiễm với lạm phát như điện, nước có GEG, BWE, PC1.
Ngành hạ tầng và vật liệu xây dựng được hưởng lợi từ câu chuyện đầu tư công và ngành công nghệ thông tin với tiềm năng tăng trưởng doanh thu đi cùng với tăng trưởng lợi nhuận có FPT, CMG.