Thay đổi mô hình quản trị
Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước là người sở hữu toàn bộ vốn. Mọi hoạt động của doanh nghiệp cũng như bộ máy quản lý cao cấp và các quy chế hoạt động được Nhà nước xem xét và phê duyệt. Trong khi đó, với doanh nghiệp cổ phần, nhiều tổ chức và các nhân khác nhau trong xã hội cùng sở hữu vốn của công ty, các vấn đề lớn của doanh nghiệp sẽ do đại hội đồng cổ đông quyết định.
Tại các doanh nghiệp cổ phần, cổ đông sẽ biểu quyết trên số vốn của mình. Đối với công ty đại chúng đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, số cổ đông thường rất lớn, từ hàng trăm đến hàng chục nghìn cổ đông, chẳng hạn Công ty cổ phần Traphaco có hàng nghìn cổ đông. Nếu lãnh đạo cao cấp ở doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước quyết định, thì lãnh đạo cao cấp của công ty cổ phần (thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc…) tại doanh nghiệp cổ phần sẽ do cổ đông bầu ra.
Tại cả 2 loại hình doanh nghiệp này, cán bộ quản lý đều có trách nhiệm sử dụng các nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp để phục vụ cho mục tiêu phát triển, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, mang lại doanh thu, lợi nhuận… tốt. Tuy nhiên, đối với công ty cổ phần, hội đồng quản trị do đại hội đồng cổ đông bầu ra có trách nhiệm thực thi nghị quyết của đại hội đồng cổ đông hàng năm và hội đồng quản trị bầu ra ban giám đốc để thực thi những mục tiêu đó. Trong khi đó, ban kiểm soát do đại hội đồng cổ đông bầu ra để giám sát hoạt động của hội đồng quản trị cũng như ban điều hành.
Lãnh đạo doanh nghiệp được chủ động sử dụng các nguồn lực để thực thi hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển công ty trong khuôn khổ luật pháp. Vì vậy, muốn tăng trưởng hiệu quả, sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp phải thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp. Việc thay đổi quản trị phải phù hợp với quy định pháp luật, hướng tới áp dụng theo các chuẩn mực quốc tế, có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo để từ đó mang lại hiệu quả tốt nhất.
Vấn đề thay đổi quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải đáp ứng được các yêu cầu sau: Tăng cường quản trị theo yêu cầu của pháp luật (Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán…); Tăng cường quản trị theo yêu cầu của phát triển kinh tế quốc tế, đó là phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, gắn hiệu quả kinh doanh với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường; Tăng cường mối quan hệ hợp tác trong nội bộ doanh nghiệp bằng việc xây dựng các quy chế hoạt động nội bộ.
Việc cải thiện quản trị doanh nghiệp sẽ mang lại những tác động tích cực tới các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh như doanh thu, lợi nhuận… Bởi quản trị tốt giúp nâng cao năng suất lao động, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt hơn, từ đó tạo uy tín và tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Kinh nghiệm từ Traphaco
Sau 17 năm cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước (cuối năm 1999), để phát huy quyền chủ động trong việc xác định chiến lược kinh doanh và sử dụng các nguồn lực nhằm phát triển doanh nghiệp, Traphaco đã từng bước thay đổi quản trị doanh nghiệp. Điều lệ doanh nghiệp được đại hội đồng cổ đông Công ty thông qua trên cơ sở tuân thủ Luật Doanh nghiệp, là một văn bản pháp lý rất quan trọng cho mọi hoạt động của Traphaco.
Từ Điều lệ đó, Hội đồng quản trị đã xây dựng nên quy chế hoạt động nội bộ để kết nối sức mạnh của Hội đồng quản trị, Ban giám đốc điều hành với các cấp quản lý trung gian, cũng như các bộ phận hoạt động trong doanh nghiệp.
Traphaco cũng áp dụng nhanh nhất các công cụ quản trị doanh nghiệp tiên tiến như đã áp dụng ISO 9001 (2004), áp dụng ISO 14000 (2007), áp dụng GP’S-WHO trong sản xuất kinh doanh dược phẩm (2006), áp dụng công cụ 5S của Nhật Bản (2009), áp dụng KPI (2015), áp dụng công nghệ thông tin trong quản trị các nguồn lực của doanh nghiệp-ERP (2016-2020)… tạo nên chất lượng sản phẩm dược phẩm uy tín, năng suất lao động cao.
Trong suốt mười mấy năm qua, Traphaco có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao. Thương hiệu Traphaco trở nên nổi tiếng bởi uy tín và chất lượng. Bên cạnh đó, Công ty thực hiện trách nhiệm xã hội bảo vệ môi trường trong quá trình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững với chuỗi giá trị xanh: từ nguyên liệu, công nghệ xanh tới sản phẩm và dịch vụ xanh.
Thực tế, cấu trúc của công ty cổ phần tạo cho doanh nghiệp quyền chủ động rất lớn và việc thay đổi quản trị nhằm mang tới sự phát triển tốt nhất, nhanh nhất là yêu cầu bức thiết đối với lãnh đạo doanh nghiệp. Có thực hiện được điều này, người lãnh đạo mới xứng đáng với sự tín nhiệm của các cổ đông.
Ngày nay, khi đánh giá giá trị của một doanh nghiệp, toàn xã hội, cũng như giới đầu tư đánh giá rất cao các giá trị vô hình. Theo đó, những giá trị hữu hình (vốn, tài sản…) thường chỉ chiếm 20%, còn lại giá trị vô hình (thương hiệu, tín nhiệm của xã hội, uy tín doanh nghiệp, khả năng hoạt động nghiên cứu và phát triển, hệ thống phân phối, sản phẩm cốt lõi…) chiếm 80%.
Lãnh đạo của công ty cổ phần có sứ mệnh hài hòa lợi ích của xã hội, của cổ đông, người lao động, đối tác/bạn hàng… Trong đó, cổ đông ngoài quyền được hưởng cổ tức hàng năm trên cơ sở kết quả sản xuất kinh doanh, còn được hưởng quyền lợi từ giá trị cổ phiếu được giao dịch trên TTCK.
Giá cổ phiếu thường được đánh giá trên giá trị tổng thể của doanh nghiệp (bao gồm cả hữu hình và vô hình). Do đó, trong quá trình lãnh đạo công ty, hội đồng quản trị phải quan tâm đến giá cổ phiếu, bởi vì giá cổ phiếu là cơ sở tính giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp.
Từ cuối năm 2008, khi đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) đến nay, giá trị vốn hóa của Traphaco đã tăng hơn 6,5 lần. Như vậy, tài sản đầu tư của cổ đông đã tăng lên tương ứng. Tại Traphaco, trong các mục tiêu chiến lược, luôn có mục tiêu tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận và vốn hóa thị trường.