Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)
Tính đến đầu tháng 7/2015, cả nước mới cổ phần hóa được 61 doanh nghiệp. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu thì trong 6 tháng cuối năm phải cổ phần hóa 228 doanh nghiệp nữa. Thưa ông, đây là công việc quá lớn?
Đúng là số lượng doanh nghiệp phải cổ phần hóa từ nay đến cuối năm còn rất lớn, nhưng trong quý III này, các bộ, ngành, địa phương phê duyệt phương án cổ phần hóa 44 doanh nghiệp và công bố giá trị 127 doanh nghiệp; trong quý IV, sẽ phê duyệt phương án cổ phần hóa 127 doanh nghiệp được công bố giá trị trong quý III.
Không kể các doanh nghiệp khác, toàn bộ doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa (171 đơn vị) sẽ được cổ phần hóa theo đúng tiến độ.
Với tiến độ này, cộng thêm việc triển khai thực hiện quyết liệt 10 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết 40/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2015, tôi tin rằng, việc chuyển toàn bộ doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn thành công ty cổ phần sẽ đạt mục tiêu đặt ra trước khi năm 2015 kết thúc.
Theo ông, những giải pháp nào cần phải thực hiện quyết liệt để hoàn thành mục tiêu đã đặt ra?
Phải thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đặc biệt là việc gắn trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp, người đứng đầu cơ quan chủ sở hữu doanh nghiệp với kế hoạch cổ phần hóa.
Ai còn chần chừ, thiếu quyết tâm thì “đứng sang một bên” để người khác làm và đưa những người tâm huyết, quyết tâm theo đuổi tiến trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp vào làm việc.
Nghị quyết 40/NQ-CP cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp trong trường hợp đã phê duyệt phương án cổ phần hóa nhưng chưa có điều kiện phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) ngay, thì bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp với giá bán bằng 60% giá khởi điểm theo phương án cổ phần hóa.
Có người cho rằng, giải pháp chuyển thành công ty cổ phần như trên là “cưỡng bức”, “bước lùi” hay giải pháp tình thế?
Theo tôi, cách nghĩ này không đúng, vì mục đích cao nhất của việc đa dạng hóa sở hữu doanh nghiệp có vốn nhà nước là nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao sức cạnh tranh trước khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2016.
Với những doanh nghiệp chưa thể IPO ngay được tức là hoạt động sản xuất, kinh doanh không tốt, tình hình tài chính không lành mạnh. Nếu không chuyển các đơn vị này thành công ty cổ phần mà vẫn giữ là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì bộ máy lãnh đạo vẫn thế; cách thức quản lý, quản trị công ty vẫn vậy, nên hiệu quả hoạt động vẫn không thể thay đổi được.
Trong khi đó, khi chuyển thành công ty cổ phần, ngoài cổ đông nhà nước, doanh nghiệp còn có sự tham gia của người lao động, tổ chức công đoàn, thậm chí là cả Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Lúc này, doanh nghiệp buộc phải thay đổi lại bộ máy, cách thức quản lý, quản trị công ty; phải minh bạch tình hình hoạt động, tình hình tài chính, thu nhập… và hiệu quả hoạt động chắc chắn sẽ được cải thiện.
Sau khi chuyển thành công ty cổ phần, bước tiếp theo sẽ là gì?
Sau một năm, đơn vị chuyển thành công ty cổ phần phải tiến hành IPO sau khi đã tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh, vốn liếng, tài chính. Nếu vẫn không IPO được thì phải xử lý bằng biện pháp khác như giải thể, phá sản hoặc bán toàn bộ doanh nghiệp chứ không còn cách nào khác.
Tôi cho rằng, cần phải sử dụng những biện pháp mạnh tay này, vì sau một năm tái cơ cấu mà bán cổ phần không ai mua thì rõ ràng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, thị trường của doanh nghiệp có vấn đề mà nhà đầu tư thấy không thể khắc phục được.