Dịch Covid-19 bùng phát và lây lan khắp toàn cầu với số người chết và nhiễm mới bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục tăng mạnh đã khiến giới đầu tư hoảng loạn trong tuần giao dịch vừa qua.
Chứng khoán toàn cầu chứng kiến nhiều phiên bán tháo và liên tiếp có những phiên giảm hơn 3%, đẩy các chỉ số có tuần giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008.
Sau tuần lao dốc này, phố Wall bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới với mức tăng trở lại khi nhà đầu tư kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để đối phó với Covid-19. Tuy nhiên, mức tăng trong phiên sáng khá khiêm tốn khi nhà đầu tư vẫn lo ngại về sự bùng phát của dịch bệnh tại Mỹ khi nước này ghi nhận có 6 người tử vong do Covid-19, trong khi số người nhiễm tăng lên gần 100 người.
Sau đó, thị trường nhận một loạt thông tin tích cực. Cụ thể, theo công cụ nghiên cứu FedWatch của CME Group, 100% thương nhân dự báo Fed sẽ giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 3 tới đây.
Trước đó, trong ngày thứ Sáu tuần trước (28/2), ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed cũng đã có bài phát biểu đề cập đến việc Ngân hàng Trung ương sẽ có những động thái phù hợp để đối phó với sự ảnh hưởng của dịch bệnh với nền kinh tế.
Trên thế giới, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda hôm thứ Hai (2/3) cho biết, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ thực hiện các bước cần thiết để ổn định thị trường tài chính.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự báo có thể giảm 10 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 4 khi lĩnh vực sản xuất của Đức, nền kinh tế lớn nhất EU giảm bớt trong tháng 2.
Bắc Kinh cũng có thể sẽ thêm gói kích thích kinh tế sau khi chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 của Trung Quốc xuống mức thấp kỷ lục tại 35,7 điểm.
Những thông tin và kỳ vọng trên khiến giới đầu tư ồ ạt xuống tiền, giúp phố Wall nhảy vọt trong phiên chiều với Dow Jones tăng hơn 5%, mức tăng phân trăm theo ngày lớn nhất kể từ năm 2009, trong khi S&P 500 và Nasdaq cũng có phiên tăng hơn trên dưới 4,5%.
Kết thúc phiên 2/3, chỉ số Dow Jones tăng 1.293,96 điểm (+5,09%), lên 26.703,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 136,01 điểm (+4,60%), lên 3.090,23 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 384,80 điểm (+4,49%), lên 8.952,16 điểm.
Sau tuần giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2008 do dịch Covid-19 lây lan nhanh và nguy hiểm, chứng khoán châu Âu cũng tăng vọt trở lại khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới khi giới đầu tư kỳ vọng các gói kích thích kinh tế sẽ được đưa ra để đối phó với dịch Covid-29.
Kết thúc phiên 2/3, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 74,28 điểm (+1,13%), lên 6.654,89 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 32,48 điểm (-0,27%), xuống 11.857,87 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) tăng 23,62 điểm (+0,44%), lên 5.333,52 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường chính trong khu vực cũng hồi phục trở lại trong phiên đầu tuần mới với kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ tung gói kích thích kinh tế hoặc nới lỏng tiền tệ để đối phó với dịch Covid-19 sau phiên lao dốc mạnh cuối tuần qua.
Kết thúc phiên 2/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 201,12 điểm (+0,95%), lên 21.344,08 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 90,63 điểm (+3,15%), lên 2.970,93 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 161,75 điểm (+0,62%), lên 26.291,68 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 15,50 điểm (+0,78%), lên 2.002,51 điểm.
Lực cầu bắt đáy ngắn hạn sau phiên lao dốc không phanh cuối tuần giúp giá kim loại quý này hồi phục trở lại. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của thị trường chứng khoán, thu hút hết sự chú ý của nhà đầu tư, khiến đà hồi phục của giá vàng chỉ ở mức khiêm tốn.
Kết thúc phiên 2/3, giá vàng giao ngay tăng 3,6 USD (+0,23%), lên 1.589,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 28,1 USD (+1,79%), lên 1.594,8 USD/ounce.
Kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế và chính sách nới lỏng tiền tệ cũng giúp giá dầu thô hồi phục mạnh sau tuần lao dốc trước đó, đẩy mức giá xuống mức thấp nhất 14 tháng.
Kết thúc phiên 2/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,99 USD (+4,45%), lên 46,75 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 2,23 USD (+4,49%), lên 51,90 USD/thùng.