Phân loại và mức độ rủi ro công trình cũ cải tạo
Báo Đầu tư phản ánh tiếng kêu của hàng ngàn doanh nghiệp, đặc biệt ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…), cho rằng, những quy chuẩn về PCCC khiến doanh nghiệp không thể đáp ứng dẫn tới nhà xưởng không được cấp phép, làm tê liệt sản xuất, trong bối cảnh kinh tế đất nước khó khăn…
Ngay sau đó, ngày 5/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 220/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố rà soát, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc về PCCC trong đầu tư xây dựng nhà và công trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Làm rõ nguyên nhân để có giải pháp bổ sung, sửa đổi theo thẩm quyền ngay những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh…
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều doanh nghiệp (xin không nêu tên) cho rằng, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về PCCC sau Công điện của Thủ tướng Chính phủ, cần thiết phải làm rõ các vấn đề mà họ đang đối mặt.
Điển hình là khó khăn với các công trình nhà xưởng đã xây dựng xong và đi vào vận hành trước khi QCVN 06:2022/BXD (Quy chuẩn quy định các yêu cầu chung về an toàn cháy cho gian phòng, khoang cháy, nhà và các công trình xây dựng) có hiệu lực.
Thực tế, doanh nghiệp vận hành công trình cũ thường có nhiều đợt cải tạo nội bộ, nhưng ít khi cải tạo phương án PCCC đi kèm, dẫn tới tình huống, đợt thanh kiểm tra cao điểm vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã bị phát hiện sai phạm về PCCC, đứng trước nguy cơ bị xử phạt và cần tổ chức khắc phục sai phạm.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa hướng dẫn rõ biện pháp khắc phục, khiến hàng ngàn doanh nghiệp ở diện “sai phạm” bị đình đốn hoạt động, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh vốn đã và đang ở thời kỳ đặc biệt khó khăn.
Với khó khăn này, theo các doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần phân loại các công trình và mức độ rủi ro/sai phạm để có biện pháp khắc phục kịp thời và cần có công văn hướng dẫn toàn quốc về các biện pháp này để không gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với các công trình lớn, chỉ cải tạo một diện tích nhỏ, việc yêu cầu rà lại để áp quy chuẩn PCCC mới cho toàn bộ công trình sẽ bất khả thi. Vì vậy, cần có hướng dẫn trên toàn quốc, vì rất nhiều doanh nghiệp đang vướng.
Với các công trình cũ đã vận hành nhiều năm, giờ chỉ cải tạo một phần, cũng cần xác định rõ việc áp dụng quy chuẩn PCCC mới chỉ tiến hành với phần cải tạo hay phải lập phương án cho toàn bộ công trình.
Có nên áp chuẩn PCCC mới cho công trình theo chuẩn cũ?
Nhiều doanh nghiệp cho hay, có công trình thiết kế và xây dựng ở giai đoạn QCVN 06:2021/BXD (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình) có hiệu lực, nhưng khi nghiệm thu cấp phép lại áp quy chuẩn mới (QCVN 06:2022/BXD). Từ đó, hầu hết doanh nghiệp bị tắc ở hạng mục sơn chống cháy và bọc bảo vệ kết cấu chịu lực theo quy chuẩn mới, dẫn tới nhà xưởng tê liệt, không sản xuất vì không được cấp phép.
Cụ thể, đối với việc bọc bảo vệ kết cấu chịu lực, theo quy chuẩn cũ (QCVN 06:2021) thì việc bọc dầm, cột... có thể làm bằng cách phun vữa và bọc thạch cao chịu lực và không cần kiểm định. Nhưng theo quy chuẩn mới (QCVN 06: 2022), biện pháp bọc thạch cao (cho cột), phun vữa lại không được đề cập và doanh nghiệp áp dụng biện pháp mới nào thì phải đi chứng minh, thẩm định khả năng chịu lực của phương án đó. Việc này khiến doanh nghiệp không chỉ vướng mắc về kỹ thuật, mà còn bị đội chi phí.
Hay như sơn chống cháy, quy chuẩn cũ không yêu cầu thí nghiệm cấu kiện chịu lửa, nhưng quy chuẩn mới có yêu cầu này.
Đó là chưa nói, hiện chỉ có 2 loại sơn sản xuất trong nước được cấp phép sơn chống cháy, còn các loại sơn nước ngoài chưa có loại nào được cấp phép, khiến doanh nghiệp có ít lựa chọn và phải chấp nhận giá cao.
Từ thực tế đó, doanh nghiệp cho rằng, cần nhất quán về việc thẩm định theo quy chuẩn cũ hay mới, thì mới tháo gỡ được cho nhiều ngành doanh nghiệp. Có thể áp dụng phương án như tỉnh Bắc Giang thực hiện được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Đó là phân loại rủi ro theo các nhóm công trình để có ứng xử phù hợp; có thể phần lớn công trình ở giai đoạn giao thoa này chỉ áp dụng kiểm soát chịu lửa theo quy chuẩn mới tới lớp tường bao công trình, còn bên trong công trình vẫn áp dụng theo quy chuẩn trước đó.
Đốt kiểm định cũng rắc rối
Chứng chỉ PCCC gây khó cho mô hình tập đoàn
Theo các hiệp hội doanh nghiệp, pháp luật quy định người đại diện pháp luật của doanh nghiệp phải có chứng chỉ về PCCC theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP (Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC).
Quy định này dễ dàng đáp ứng được đối với các doanh nghiệp chỉ có một công ty và sản xuất một loại sản phẩm. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn, người đứng đầu là đại diện pháp luật của nhiều công ty, thì cơ quan chức năng lại chỉ tiếp nhận hồ sơ của một công ty, khiến doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn gặp khó khăn.
Theo các hiệp hội doanh nghiệp, hàng ngàn công trình, nhà xưởng mới của doanh nghiệp áp dụng theo quy chuẩn PCCC mới không được thẩm duyệt do gặp khó liên quan tới mái tôn và xà gồ.
Điển hình như với vật liệu tôn, thế giới không cần đốt để kiểm định, nhưng Việt Nam yêu cầu đốt. Tuy nhiên, hiện không có tiêu chuẩn đốt, phải đợi cơ quan chức năng xây dựng tiêu chuẩn và quy trình đốt thì mới thẩm định được tôn công trình. Vì điều này, nhiều ngàn công trình dù đã có thiết kế xây dựng, thậm chí đã xây dựng, nhưng phải “xếp hàng” chờ. Trong khi đó, yêu cầu đốt này chưa chứng minh được sự hợp lý, cần thiết khi so sánh với thông lệ quốc tế.
Đó là chưa nói, hiện cả nước chỉ có một lò đốt kiểm định của Viện Tư vấn xây dựng thuộc Bộ Xây dựng (IBST) và giá đốt cao. Điều này khiến các nhà sản xuất phải xếp hàng chờ đốt, nên rất lâu.
Hiện tại, kích thước của lò đốt mẫu chỉ là 3 x 3 m, còn với các trường hợp kích thước lớn hơn thì chưa có biện pháp, nên các nhà sản xuất rất khó khăn trong tiếp nhận đơn hàng và tổ chức sản xuất.
Từ đó, doanh nghiệp đề xuất, các cơ quan chức năng nghiên cứu lại và áp dụng theo thông lệ quốc tế, đặc biệt ở các quốc gia có khí hậu, điều kiện kỹ thuật tương đương Việt Nam; mở rộng các đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ “đốt thẩm định” trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn công bố công khai để giảm thời gian chờ đợi và chi phí cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo quy định của quy chuẩn mới, bên tư vấn thiết kế xây dựng có quyền và trách nhiệm chỉ ra trong thiết kế những hạng mục nào chịu lực khi cháy, hạng mục nào không tham gia chịu lực khi cháy để tiến hành các biện pháp thẩm định/đánh giá liên quan.
Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ thiết kế cho địa phương, cơ quan chức năng địa phương thường không duyệt và còn đề nghị doanh nghiệp phải có ý kiến một cơ quan chuyên môn xác nhận tính “đúng đắn” của phương án thiết kế. Điều này là không đúng với quy chuẩn mới và cũng gây tắc cho hoạt động, vì không có cơ quan chuyên môn nào được giao quyền “cho ý kiến” như địa phương yêu cầu.
Doanh nghiệp cho rằng, với những vấn đề vướng mắc về PCCC, cơ quan chức năng cần đưa ra các quy định thống nhất trên toàn quốc, thay vì hướng dẫn bằng công văn cá biệt để doanh nghiệp thuận lợi khi thực thi.
Chỉ đạo gỡ nhanh nhiều vướng mắc
Công an TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu công an tất cả các quận huyện và TP. Thủ Đức triển khai hàng loạt biện pháp tháo gỡ khó khăn về PCCC cho doanh nghiệp và cơ sở karaoke theo chỉ đạo của Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an.
Theo đó, nhiều vướng mắc về PCCC được giải quyết như đối với các công trình đã được góp ý thiết kế cơ sở, thẩm duyệt theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn cũ trước đây, thì được tiếp tục áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn đó khi thực hiện thẩm duyệt.
Tường ngoài, mái nhà làm bằng tôn được xác định có giới hạn chịu lửa E15, RE15 khi hồ sơ thiết kế có thuyết minh. Đồng thời, không yêu cầu phải thử nghiệm để chứng minh giới hạn chịu lửa cho các bộ phận này khi kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC.
Công trình được nghiệm thu từng phần có thể hoạt động độc lập, không bị ảnh hưởng bởi các hạng mục công trình đang tiếp tục thi công.
Các dự án, công trình thi công sơn chống cháy đã được kiểm định cho công trình theo quy định tại Nghị định số 79/NĐ-CP thì được chấp thuận để nghiệm thu về PCCC.
Đối với các dự án, công trình đã thi công sơn chống cháy, nhưng chưa được kiểm định, có thể cho phép thi công bổ sung bằng lớp sơn chống cháy hoặc thay thế lớp sơn chống cháy đã thi công bằng lóp sơn chống cháy khác bảo đảm.