Trong cuộc họp báo chiều ngày 31/3, Tổng thống Mỹ thừa nhận rằng “nước Mỹ sẽ có hai tuần rất khó khăn”. Giọng điệu của ông u ám hơn so với trong cuộc họp báo trước. “Đây sẽ là hai tuần rất, rất đau đớn”.
Theo dự đoán của Nhà Trắng, sẽ có khoảng 100.000-240.000 ca tử vong ở Mỹ vì đại dịch Covid-19 ngay cả khi các biện pháp ngăn chặn được áp đặt.
Phát biểu của ông Trump đã khiến giới đầu tư lo sợ và càng thêm bất an hơn khi dữ liệu kinh tế được công bố vào ngày thứ Tư (1/4).
Theo dữ liệu vừa công bố, hoạt động sản xuất của Mỹ sụt giảm trong tháng 3 khi số lượng đơn đặt hàng thấp nhất 11 năm. Trong khi đó, việc đóng cửa các cơ sở sản xuất khiến biên chế việc làm trong lĩnh vực tư nhân (ADP) giảm 27.000 việc làm vào tháng trước, lần giảm đầu tiên kể từ ngày 9/2017. Dù thấp hơn dự báo, nhưng đây chỉ là con số ước tính ban đầu, nhiều nhà phân tích cho rằng, con số chính thức điều chỉnh sau này sẽ còn cao hơn nhiều, bởi số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước đó đã vượt qua 3 triệu.
Với những lo lắng trên, giới đầu tư đà ồ ạt bán ra trong phiên thứ Tư, khiến cả 3 chỉ số chính của phố Wall đều quay đầu giảm hơn 4%, đánh mất hết cả vốn lẫn lãi của 2 phiên tăng liên tiếp đầu tuần.
Kết thúc phiên 1/4, chỉ số Dow Jones giảm 973,65 điểm (-4,44%), xuống 20.943,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 114,09 điểm (-4,41%), xuống 2.470,50 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 339,52 điểm (-4,41%), xuống 7.360,58 điểm.
Sự bùng phát mạnh mẽ của dịch Covid-19 cũng khiến chứng khoán châu Âu quay đầu giảm mạnh trong phiên thứ Tư, khi nhà đầu tư nhận ra rằng, các gói kích thích kinh tế không đủ để có thể chống lại sự suy giảm của kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên 1/4, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 217,39 điểm (-3,83%), xuống 5.454,57 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 391,09 điểm (-3,94%), xuống 9.544,75 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 188,87 điểm (-4,30%), xuống 4.207,24 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản lao dốc mạnh và ghi nhận phiên giảm thứ 3 liên tiếp khi nhà đầu tư tin rằng, Tokyo chuẩn bị phong tỏa để tránh lây lan của Covid-19. Lo sợ sự bùng phạt mạnh của Covid-19 cũng khiến các thị trường chứng khoán châu Á khác giảm mạnh trong phiên đầu tháng 4, nhưng chứng khoán Trung Quốc hãm đà giảm nhờ dữ liệu kinh tế tích cực và kỳ vọng vào các gói kích thích của Bắc Kinh.
Kết thúc phiên 1/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 851,60 điểm (-4,50%), xuống 18.065,41 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 15,77 điểm (-0,57%), xuống 2.734,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 517,69 điểm (-2,19%), xuống 23.085,79 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 69,18 điểm (-3,94%), xuống 1.685,46 điểm.
Giá vàng sau khi giảm trong phiên sáng Mỹ cùng với chứng khoán đã đảo chiều tăng trở lại vào cuối phiên nhờ lực cầu tìm đến nơi trú ẩn an toàn gia tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, đe dọa làm suy thoái kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên 1/4, giá vàng giao ngay tăng 16,3 USD (+1,03%), lên 1.593,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 5,2 USD (-0,33%), xuống 1.578,2 USD/ounce.
Giá dầu thô tiếp tục lình xình, đóng cửa ít thay đổi trong phiên thứ Tư và tiếp tục trái chiều khi giá dầu dường như tìm được điểm hỗ trợ mạnh.
Kết thúc phiên 1/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,17 USD (-0,84%), xuống 20,31 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,02 USD (+0,09%), xuống 22,76 USD/thùng.