Chỉ chưa đầy một tuần sau khi sự kiện Brexit làm náo loạn các thị trường tài chính trên toàn cầu, thị trường chứng khoán và trái phiếu đã sóng đôi nhau cùng đi về phía trước trong tuần này, khi các ngân hàng trung ương ra tay can thiệp. Theo đó, giới chức tiền tệ đưa ra một loạt các tín hiệu cho thấy sẽ tiếp tục nới lỏng và giữ lãi suất ở mức thấp trong thời gian dài hơn nữa.
Thông thường, giải pháp tốt cho loại tài sản này sẽ không tốt cho tài sản khác. Trong đó, chứng khoán và trái phiếu là bộ đôi thường đi ngược chiều nhau khi xuất hiện một diễn biến mới. Tuy nhiên, với các chính sách chưa từng có tiền lệ, mối quan hệ này đang bị phá vỡ.
Cổ phiếu, trái phiếu, vàng, hàng hóa và tiền tệ đều tăng giá trong tuần này
Theo đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm đã giảm 10 điểm cơ bản, xuống 2,1873%/năm, trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn 1,3784%/năm, mức thấp nhất trong lịch sử 240 năm của nước Mỹ.
Bên cạnh đó, chỉ số S&P 500 đã tăng 5,2% trong 4 ngày qua, xóa bỏ hết mọi tổn thất vì Brexit trong thời gian qua. Đồng thời, chỉ số này có tuần tăng tốt nhất kể từ tháng 11/2015, nhờ có sự hỗ trợ từ số liệu kinh tế tích cực trong quý II.
Những lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu và sau đó đến lượt Brexit đã tiếp tục thúc đẩy nhu cầu sở hữu trái phiếu chính phủ trong tháng 6. Việc các ngân hàng trung ương trên thế giới áp dụng rộng rãi các chính sách tiền tệ bất thường, bao gồm chương trình mua trái phiếu quy mô lớn và hạ lãi suất xuống dưới 0%, đã khiến nhà đầu tư sẵn sàng sở hữu trái phiếu lãi suất âm.
“Đây có lẽ là sự bình thường mới. Nếu thanh khoản trên thị trường tốt, bạn có thể dự đoán trước được các ngân hàng trung ương sẽ có nhiều biện pháp kích thích, đồng thời mở rộng gói nới lỏng tiền tệ, trong khi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất vẫn có thể xảy ra. Vậy là mọi tài sản đều không bị tổn hại. Mọi thứ đều theo xu hướng tốt”, Aaron Kohli, chiến lược gia tại BMO Capital Markets (New York) cho biết.