Cụ thể, ngày 29/8, VNG sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản, thời gian lấy ý kiến trong tháng 9/2023.
Trong đó, Công ty chưa chia sẻ nội dung chi tiết việc xin ý kiến cổ đông.
Bối cảnh xin ý kiến cổ đông khi cơ cấu cổ đông lớn liên tục biến động mạnh. Trong đó, ngày 3/8, Công ty cổ phần Công nghệ BigV mua thêm 1.741.524 cổ phiếu VNZ để nâng sở hữu từ 11,78%, lên 17,84% vốn điều lệ.
Trước đó, ngày 28/7, BigV đã mua 1.741.524 cổ phiếu VNZ để nâng sở hữu từ 5,72% lên 11,78% vốn điều lệ.
Ở chiều ngược lại, VNG Limited bán ra 3.483.048 cổ phiếu VNZ để giảm sở hữu từ 61,12% về 49% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 2/8.
Như vậy, khối lượng mà Công ty cổ phần công nghệ BigV mua vào trong ngày 28/7 và ngày 3/8 bằng lượng cổ phiếu mà VNG Limited thực hiện bán ra trong ngày 2/8.
Quay trở lại các giao dịch thỏa thuận gần đây trên sàn, ngày 26/7 xuất hiện giao dịch thỏa thuận 1.741.524 cổ phiếu VNZ với giá trị 1.091,6 tỷ đồng (bằng khối lượng mà Công ty cổ phần Công nghệ BigV vừa thông báo mua vào); ngày 1/8, tiếp tục có thêm một giao dịch thỏa thuận 1.732.343 cổ phiếu VNZ, giá trị giao dịch là 1.105,75 tỷ đồng; và ngày 2/8 có thêm 1 giao dịch thỏa thuận 19.181 cổ phiếu VNZ, giá trị giao dịch là 12,23 tỷ đồng.
Sau 6 quý lỗ liên tiếp, VNG đã có lãi trở lại trong quý II/2023
Về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2023, VNG ghi nhận doanh thu đạt 2.245,9 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận 100,29 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 265,48 tỷ đồng, tức tăng thêm 365,77 tỷ đồng.
Được biết, trước đó, từ quý IV/2021 đến quý I/2023, VNG liên tục ghi nhận lỗ. Như vậy, sau 6 quý liên tiếp kinh doanh thua lỗ, Công ty đã có lãi trở lại.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 25,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 223,9 tỷ đồng, lên 1.099,3 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 44,9%, tương ứng giảm 19,91 tỷ đồng, xuống 24,4 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 10,2 lần so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 76,2 tỷ đồng, lên 83,67 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết tiếp tục ghi nhận lỗ 22,14 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 47,34 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 17,8%, tương ứng giảm 195,15 tỷ đồng, xuống 898,66 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong quý II, Công ty có lãi trở lại chủ yếu do lợi nhuận gộp tăng, đồng thời tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2023, VNG ghi nhận doanh thu đạt 4.098,4 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lãi 59,79 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 281,41 tỷ đồng, tức tăng thêm 341,2 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2023, VNG đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 9.281 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện 2022 và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là âm 378 tỷ đồng (năm 2022 lỗ 1.077,1 tỷ đồng).
Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023 với việc ghi nhận lãi 59,79 tỷ đồng, VNG đã vượt kế hoạch lỗ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/8, cổ phiếu VNZ tăng trần 139.500 đồng lên 1.069.900 đồng/cổ phiếu.