CEO “ta” áp đảo CEO “tây”
Ngày 21/7/2023, ông Paul George Nguyễn đã chính thức gia nhập Phú Hưng Life với vị trí điều hành cao nhất - CEO (Tổng giám đốc). Trước đó, ông Paul George Nguyễn từng giữ chức vụ tương tự tại 2 công ty bảo hiểm nhân thọ khác là Manulife Việt Nam và Aviva Việt Nam.
Còn tại Dai-ichi Life Việt Nam, từ ngày 18/7/2023, ông Đặng Hồng Hải chính thức được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc Công ty. Trước khi đảm nhận vị trí điều hành cao nhất tại đây, ông Hải là Phó tổng giám đốc điều hành kiêm Phó tổng giám đốc các kênh phân phối. Là CEO trẻ nhất ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam với độ tuổi 8x, nhưng ông Hải đã có hơn 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm, tái bảo hiểm nhân thọ trong nước và quốc tế. Gia nhập Dai-ichi Life Việt Nam vào năm 2017, ông Hải từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng như Phó tổng giám đốc Tài chính, chuyên gia tính toán được chỉ định…
Cũng vào trung tuần tháng 7/2023, bà Nguyễn Thị Hồng Thanh (Tina Nguyễn) chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Manulife Việt Nam - một trong những thương hiệu tài chính bảo hiểm quốc tế đầu tiên vào Việt Nam. Trước khi trở thành CEO Manulife Việt Nam, bà Tina Nguyễn giữ chức vụ tương tự tại Generali Việt Nam trong 7 năm và giúp thương hiệu này ngày một lớn mạnh.
Trước nữa, bà Tina Nguyễn có hơn 11 năm làm việc tại Prudential Việt Nam và đảm nhiệm nhiều vị trí điều hành cấp cao như Phó tổng giám đốc điều hành - phụ trách tiếp thị và kênh hợp tác phát triển kinh doanh, Phó tổng giám đốc Khách hàng, Phó tổng giám đốc Chiến lược, Giám đốc Tài chính... Trước khi gia nhập ngành bảo hiểm Việt Nam, bà Tina Nguyễn từng là Giám đốc Tài chính cho Texas Electric Cooperatives tại TP. Austin, bang Texas, Hoa Kỳ.
Tại thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, Bảo Việt Nhân thọ hiện là công ty bảo hiểm nội địa duy nhất, còn lại đều là các công ty bảo hiểm nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài, cho nên đa số CEO ở khối này cũng là người ngoại quốc. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, xu hướng bổ nhiệm nhân sự là người Việt hoặc gốc Việt vào vị trí điều hành cao nhất ngày một nhiều hơn.
Chẳng hạn, sau nhiều năm sử dụng CEO ngoại, vào tháng 6/2020, Prudential Việt Nam đã chính thức bổ nhiệm CEO gốc Việt là ông Phương Tiến Minh. Tương tự, tại Sun Life Việt Nam, cũng trong năm 2020, ngay sau khi Tập đoàn Tài chính Sun Life tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Bảo hiểm nhân thọ PVI Sun Life từ 49% lên 100% và đổi tên thành Sun Life Việt Nam như hiện tại, ông Lý Nhơn là người gốc Việt đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí CEO của Công ty.
Hiện tại, trong số 19 CEO doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, có 11 CEO là người Việt hoặc gốc Việt. Cụ thể, ngoài 3 nhân sự mới được bổ nhiệm là bà Tina Nguyễn (CEO Manulife Việt Nam), ông Paul George Nguyễn (CEO Phú Hưng Life) và ông Đặng Hồng Hải (Dai-ichi Life Việt Nam), còn lại là các ông Phương Tiến Minh (CEO Prudential Việt Nam), ông Lý Nhơn (CEO SunLife Việt Nam), ông Phạm Ngọc Sơn (CEO Bảo Việt Nhân thọ), ông Nguyễn Hồng Sơn (CEO Chubb Việt Nam), ông Huỳnh Hữu Khang (CEO Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam), ông Lê Anh Tuấn (CEO Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam), ông Vũ Hồng Phú (CEO MB AGEAS), ông Đào Văn Đồng (CEO Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MVI, tiền thân là Bảo hiểm Aviva, hiện trực thuộc Tập đoàn Manulife).
Được bổ nhiệm trong bối cảnh thị trường bảo hiểm nhân thọ đang đối mặt với nhiều thách thức, kỳ vọng đối với các tân CEO là rất lớn. Bà Tina Nguyễn tại lễ nhậm chức đã bày tỏ sự quyết tâm cùng tập thể cán bộ, nhân viên Manulife Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức hiện tại để tiếp tục tăng trưởng ổn định, góp phần xây dựng ngành bảo hiểm Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, bền vững hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, quyết định ngồi vào “ghế nóng” CEO Manulife Việt Nam của bà Tina Nguyễn thời điểm này là “hành động dũng cảm”, đặc biệt là sau cuộc “khủng hoảng niềm tin” với khách hàng vừa diễn ra. Trong khi đó, Manulife Việt Nam có lần đầu tiên rớt khỏi bảng xếp hạng 10 công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín 2023, theo đánh giá mới đây của Vietnam Report. Năm 2022, tuy ghi nhận doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 26.322 tỷ đồng (tăng 8,3% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 2.562 tỷ đồng, nhưng kết quả này chưa đủ để giúp Manulife Việt Nam thoát lỗ lũy kế.
Cần sự tươi mới
Ở mảng bảo hiểm phi nhân thọ, sau thương vụ bán vốn cho đối tác ngoại, ông Đỗ Quang Vinh vẫn đang giữ ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) trước khi có một cuộc thay đổi nhân sự khi đối tác ngoại chính thức tiếp quản.
Tại Bảo hiểm Hàng không (VNI), ông Nguyễn Thành Quang vừa được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty vào ngày 26/7/2023 từ vị trí Phó tổng giám đốc thường trực điều hành.
Lâu nay, những dịch chuyển về nhân sự cấp cao trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, đặc biệt với vị trí CEO, vẫn thường theo xu hướng “chạy vòng quanh” từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, chứ không có nhiều gương mặt mới. Cũng không khó lý giải cho hiện tượng này, khi mà lĩnh vực còn non trẻ và gần như là sân chơi của khối ngoại với ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Điểm đáng chú ý, các CEO được bổ nhiệm đợt này đều là nhân sự đã ghi thành tích tốt trong quá khứ, am hiểu thị trường cũng như thị hiếu tiêu dùng bảo hiểm trong nước, lại giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, giàu kinh nghiệm điều hành, có nhiều thành tựu trong ngành…
Dẫu vậy, theo giới chuyên môn, trong hơn 20 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm Việt Nam chứng kiến nhiều vị chủ tịch hay CEO thể hiện khả năng chèo lái doanh nghiệp mình trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần, doanh số…, nhưng chưa thấy vị “thuyền trưởng” nào thực sự ghi dấu ấn một cách dài hạn trong việc tạo ra một đội ngũ đại lý - người tư vấn bảo hiểm chuyên nghiệp, chất lượng.
Trên thực tế, việc đại lý bảo hiểm làm việc tạm bợ rồi bỏ nghề không phải hiếm, thậm chí còn khá phổ biến ở cả những thị trường phát triển, chứ không riêng Việt Nam. Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA Global-Vietnam kể, trong chuyến đi công tác tham dự Hội nghị Lãnh đạo và quản lý ngành bảo hiểm nhân thọ thế giới tổ chức tại Las Vegas, Hoa Kỳ mới đây, qua trao đổi với các nhà lãnh đạo ngành bảo hiểm nhân thọ thế giới, ông được biết rằng, ngay cả những nước có ngành bảo hiểm nhân thọ phát triển hàng trăm năm, việc tuyển dụng và duy trì công việc đại lý bảo hiểm cũng không hề dễ dàng.
“Theo số liệu gần đây từ Edge tại Hoa Kỳ, có khoảng 30% đại lý bảo hiểm nghỉ việc trong 3 tháng đầu và 87% đại lý bảo hiểm chuyển đổi công ty hoặc bỏ việc trong 3 năm đầu”, ông Thắng cho hay.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch GAMA Global-Vietnam, nếu các CEO cũng như các lãnh đạo cấp cao của công ty bảo hiểm có hướng đi đúng đắn trong công tác tuyển dụng thì dù có những đại lý bảo hiểm không phù hợp phải nghỉ việc, nhưng họ vẫn là người ít nhiều có hiểu biết về bảo hiểm nhân thọ. Trong khi đó, thị trường nhân thọ Việt Nam lâu nay vẫn ẩn chứa một nguy cơ lớn, đó là việc tập trung chạy đua chiếm lĩnh thị phần với mục tiêu thuần về doanh số đã tạo ra những phong trào, chiến dịch tuyển dụng kém chất lượng, công tác đào tạo, huấn luyện chưa thực sự hiệu quả; thưởng doanh số quá nhiều, lệch lạc về tư tưởng và sứ mệnh của người đại lý bảo hiểm nhân thọ, đặt ra những danh xưng mỹ miều mà không đi kèm thực chất…, từ đó gây nên những “cơn sóng ngầm” trên thị trường.
Đặc biệt, sau cuộc khủng hoảng truyền thông bảo hiểm vừa qua, nguy cơ này đã bộc phát thành những tác động tiêu cực nghiêm trọng, khiến tính nhân văn - ý nghĩa nền tảng của bảo hiểm nói chung, bảo hiểm nhân thọ nói riêng bị lung lay, tạo ra những góc nhìn tiêu cực về nghề đại lý bảo hiểm, khiến cho việc tuyển dụng và duy trì hoạt động đại lý bảo hiểm nhân thọ của các doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều trở ngại, thách thức.
“Vì thế, thị trường bảo hiểm cần thêm những gương mặt CEO mới với tư duy mới, tầm vóc mới… để tạo đột phá cho doanh nghiệp, cho thị trường”, ông Thắng nhấn mạnh.
Cùng góc nhìn, chuyên gia bảo hiểm Lê Minh cũng cho rằng, hơn bao giờ hết, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam cần một luồng gió mới đến từ bộ máy thượng tầng, mang theo tư duy mới, cách làm mới để vừa đem đến thành công bền vững cho doanh nghiệp, vừa tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng. Đây sẽ là bước khởi đầu cho một cuộc cạnh tranh mới khốc liệt hơn, nhưng cũng khác biệt và chuyên nghiệp hơn.