Tính đến ngày 30/6/2012, SCIC đã tiếp nhận từ các bộ, ngành, địa phương phần vốn nhà nước tại 940 DN, với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách kế toán là 7.527 tỷ đồng; trong đó có 29 công ty TNHH một thành viên và 911 công ty cổ phần. Trong số các DN đã chuyển giao, có 4 tổng công ty chuyển giao theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tổng CTCP Điện tử và Tin học Việt Nam (VEIC), Tổng CTCP Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim), Tổng CTCP Thương mại và Xây dựng (Vietracimex).
SCIC đã bán vốn nhà nước tại 566 DN (trong đó bán toàn bộ vốn nhà nước tại 513 DN, bán một phần vốn tại 53 DN), với giá trị sổ sách trên 1.500 tỷ đồng, thu về trên 3.200 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trung bình gấp 2,13 lần so với mệnh giá.
Tổng công ty đã tiếp nhận 26 công ty TNHH một thành viên với giá trị sổ sách phần vốn nhà nước trên 290 tỷ đồng. Ngay sau khi tiếp nhận, SCIC đã xây dựng kế hoạch sắp xếp cổ phần hóa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua gần 4 năm triển khai, số DN được sắp xếp, cổ phần hóa đạt 65,4% (17/26 DN).
Tính đến 30/6/2012, tổng tài sản của SCIC đã tăng trên 9 lần so với năm 2006 (từ 5.900 tỷ đồng lên trên 54.000 tỷ đồng) do tăng vốn chủ sở hữu, tập trung đôn đốc thu nợ Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN Trung ương. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng gần 7 lần (từ trên 3.600 tỷ đồng lên trên 25.000 tỷ đồng) do bổ sung vốn điều lệ, lợi nhuận tích lũy thông qua đầu tư kinh doanh, thặng dư bán vốn.
Năm 2011, SCIC đạt lợi nhuận sau thuế trên 2.900 tỷ đồng, tăng gần 27 lần so với năm 2006. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư tại SCIC năm 2011 đạt 17%. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2012 của Tổng công ty là trên 3.500 tỷ đồng.
Trên cơ sở đánh giá kết quả hoạt động của SCIC tại Đề án “Tiếp tục đổi mới, củng cố phát huy vai trò của SCIC”, Bộ Chính trị đã ghi nhận tại Kết luận số 78-KL/TW: “những kết quả hoạt động SCIC tiếp tục khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng trong quá trình đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của DNNN”.