Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai thống nhất sẽ cử ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc Công ty làm người đại diện vốn tại Công ty Thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn.
Trước đó, năm 2013, HAG đã thực hiện quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, thoái vốn khỏi lĩnh vực thủy điện bằng cách bán đi toàn bộ các dự án thủy điện tại Việt Nam và chỉ giữ lại các dự án thủy điện đang xây dựng tại Lào. Qua đó, đã giúp Công ty thu về nguồn tiền khá lớn, vào khoảng 2.100 tỷ đồng và giảm đáng kể nợ vay.
Tính đến cuối quý III/2017, HAGL còn 3 công ty thủy điện, với tỷ lệ nắm giữ trên 99%, gồm Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai, Thủy điện Attapeu và Nậm Kông. Trong đó, chỉ có Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai, xây dựng từ năm 2007 tại Gia Lai, là đang hoạt động, nhưng không có đóng góp đáng kể trong tổng cơ cấu doanh thu 9 tháng năm 2017.
Hiện HAG vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2017. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, mảng trái cây đã đóng góp tích cực.
Cụ thể, 9 tháng, HAG ghi nhận doanh thu 3.998 tỷ đồng, giảm 18,6% so với cùng kỳ và hoàn thành 63,1% kế hoạch cả năm (6.335 tỷ đồng), trong đó trái cây vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất 31,47% đạt gần 1.258 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hơn 1.192 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 1.188 tỷ đồng, vượt tới 115,94% kế hoạch năm (552 tỷ đồng).
Được biết, cổ phiếu HAG vẫn chịu áp lực bán ra trong phiên đầu tuần ngày 29/1 và tiếp tục giảm 1,2%, xuống mức giá 8.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 10,8 triệu đơn vị.