Sau 31/3/2023 dừng phân bổ vốn Chương trình Phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
Cơ bản đồng ý phân bổ tiếp 15.000 tỷ đồng vốn Chương trình Phục hồi song Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ sau 31/3/2023 sẽ dừng phân bổ vốn từ Chương trình này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp.

Trong phiên họp sáng 13/2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 2).

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Nghị quyết đã quy định mục tiêu, đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn và phân bổ vốn, các cơ chế đặc thù áp dụng cho dự án đầu tư công thuộc Chương trình và một số nhiệm vụ sử dụng vốn đầu tư phát triển; tăng chi từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng với thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực.

Căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện.

Việc xây dựng, hoàn thiện các danh mục nhiệm vụ, dự án Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất nghiêm túc, chặt chẽ, kỹ lưỡng, bảo đảm tuân thủ theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí, đối tượng, mục tiêu quy định tại Nghị quyết số 43/202/QH15, Bộ trưởng nêu rõ.

Về tiến độ, Bộ trưởng báo cáo, sau khi giao đợt 1, tổng số vốn còn lại của Chương trình chưa phân bổ, giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 28.862 tỷ đồng.

Gồm 25.530 tỷ đồng của 169 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư. 3.332 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết, chưa thông báo cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Trong tổng số 169 dự án với số vốn là 25.530 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo vốn từ Chương trình để hoàn thiện thủ tục đầu tư nêu trên, có 129 dự án với số vốn dự kiến là 14.710,315 tỷ đồng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.

Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 129 dự án thuộc Chương trình với số vốn dự kiến là 14.710,315 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn.

Nội dung nữa được Chính phủ xin ý kiến là điều chỉnh giảm 8.528 tỷ đồng kế hoạch vốn của Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Giao thông vận tải thực hiện 4 dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc để điều chỉnh tăng tương ứng cho 10 địa phương thực hiện các dự án thành phần đã được Thủ tướng Chính phủ phân cấp. Trên cơ sở đó, 10 địa phương thực hiện giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công của Chương trình năm 2023 cho từng dự án thành phần do mình quản lý.

Thẩm tra, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu rõ, đối với số vốn còn lại của Chương trình chưa đủ thủ tục đầu tư (14.151,685 tỷ đồng) đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện danh mục theo quy định của Nghị quyết 43, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước ngày 31/3/2023 theo quy định tại Khoản 10, Điều 2 Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Sau thời hạn trên, số vốn còn lại của Chương trình không thực hiện phân bổ tiếp, Chủ nhiệm Uỷ ban thẩm tra Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Tham gia thảo luận sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn khi số vốn còn lại khá nhiều, khó có thể giải ngân hết trong năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cần rà soát lại các nhiệm vụ, dự án cho đúng tiêu chí đã được Quốc hội quyết định.

Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu, việc giao vốn Chương trình Phục hồi chậm có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là, phải thực hiện theo đúng quy định Nghị quyết 43 về nguyên tắc, tiêu chí. Thứ 2 là, thực hiện đúng thủ tục, trình tự theo quy định của Luật Đầu tư công, điều này sẽ mất thêm thời gian.

"Thứ 3 là, đề xuất của bộ, ngành địa phương không sát thực tiễn, lúc đầu đề xuất như thế nhưng về là thay đổi "tùm lùm ta la", cứ làm đi làm lại, nhất là y tế. Có những dự án y tế sau này thay đổi gần như toàn bộ. Còn rất nhiều dự án y tế chưa giao mà không thể giao được. Trong khi đó, Chính phủ có 17 nghị quyết, công điện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 23 văn bản nhắc nhở suốt, nhưng không triển khai được. Trong đó có cả e ngại trong việc thực hiện", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, việc giao vốn được thực hiện rất cẩn trọng, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí, trình tự chứ không sai, khác Nghị quyết 43.

Theo Bộ trưởng, trong thời gian 2022-2023 sẽ xử lý hết nguồn vốn Trung ương thuộc Chương trình, còn nguồn vốn địa phương và vốn khác thì kéo dài tới 2024-2025, đảm bảo nguồn vốn Chương trình thực hiện đúng trong hai năm 2022-2023.

Với số vốn còn lại hơn 14.000 tỷ đồng, Bộ trưởng thông tin đã có một số dự án tương đối rõ như Quốc lộ 4B của Lạng Sơn, trong tuần tới Chính phủ thông qua có thể làm được ngay.

"Sẽ cố gắng thúc đẩy tiến độ để từ nay tới 31/3 phải giao được hết vốn. Còn nếu bộ, ngành nào địa phương nào không thực hiện thì thống nhất thực hiện nghiêm theo Nghị quyết của Quốc hội", Bộ trưởng nêu rõ.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung Chính phủ trình.

Với số vốn còn lại, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát để phân bổ đúng tinh thần nghị quyết số 43 của Quốc hội, sau 31/3/2023 sẽ không tiếp tục phân bổ vốn của Chương trình.

Tin bài liên quan