Thủy điện miền Nam hiện sở hữu 3 nhà máy thủy điện
Trước đó, Tổ máy số 1 và số 2 của Thủy điện Đa M’Bri đã phải ngừng vận hành để sửa chữa.
Sau khi Tổ máy số 2 vận hành trở lại, Tổ máy số 1 vẫn đang tiếp tục phải sửa chữa và dự kiến vận hành trở lại trong tuần đầu tiên tháng 11/2020.
Thủy điện miền Nam có vốn điều lệ 937 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.057,8 tỷ đồng. Công ty này hiện có 3 nhà máy thủy điện đều tại tỉnh Lâm Đồng.
Nhà máy Thủy điện Đa Siat có công suất 13,5 MW nằm tại thôn 3, xã Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.
Nhà máy Thủy điện Đa Dâng 2 có công suất 34 MW, nằm tại xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng.
Nhà máy Thủy điện Đa M’bri công suất 75 MW nằm trên địa bàn xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai và xã Triệu Hải – huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.
Khoảng 80% sản lượng điện sản xuất hằng năm được bán theo hợp đồng mua bán điện ký kết với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), còn lại được bán trên thị trường phát điện cạnh tranh với mức giá dựa trên cung và cầu thị trường điện.
6 tháng đầu năm 2020, doanh thu và thu nhập khác của Thủy điện miền Nam là 175,8 tỷ đồng, giảm 14,5 tỷ đồng so với 6 tháng 2019; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 352 triệu đồng và giảm tới 93% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty cho biết do thời tiết 6 tháng đầu năm 2020 không thuận lợi, lưu lượng nước về bình quân giảm so với cùng kỳ năm trước làm cho sản lượng phát điện giảm gần 5%.
Bên cạnh đó, giá bán điện bình quân 6 tháng đầu năm 2020 giảm 3% so với với cùng kỳ năm trước.
Trong khi doanh thu giảm, nhưng chi phí của Công ty là chi phí cố định nên không thay đổi nhiều so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu tài sản, tài sản cố định chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1.776 tỷ đồng. Trong đó, nguyên giá tài sản cố định lên tới 3.106,8 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn là 82,2 tỷ đồng, giảm khoảng 20% so với đầu năm. Hàng tồn kho chỉ là hơn 3,1 tỷ đồng, giảm hơn so với mức 3,9 tỷ đồng thời điểm 1/1/2020.
Thủy điện miền Nam là đơn vị sản xuất kinh doanh điện năng nên lượng hàng tồn kho chủ yếu là các vật tư thiết bị dự phòng phục vụ công tác sửa chữa thường xuyên của nhà máy thủy điện.