Quý II/2020, TTF báo lãi ròng 18,9 tỷ đồng. Đây là quý thứ hai liên tiếp công ty có lợi nhuận sau.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2020 với doanh thu thuần trên 370 tỷ đồng, gấp gần 3,7 lần cùng kỳ năm trước(101 tỷ đồng).
Trong kỳ, giá vốn bán hàng giảm 10% nên lãi lãi gộp tăng đạt 73 tỷ đồng. Về các chi phí, chi phí bán hàng và chi phí tài chính đều giảm, lần lượt 10% và 44%. Cộng thêm doanh thu tài chính tăng gấp đôi cùng kỳ. Công ty cũng ghi nhận thu nhập tài chính từ lãi tiền gửi, lãi cho vay (12.8 tỷ đồng) nhiều hơn đáng kể so với kỳ trước (7 tỷ đồng), cùng với đó là việc không thực hiện trích lập dự phòng phải thu khó đòi lớn như cùng kỳ.
Sau khi cộng trừ các chi phí, quý II/2020, TTF báo lãi ròng 18,9 tỷ đồng. Đây à quý thứ hai liên tiếp công ty có lợi nhuận sau 2 năm liên tục lỗ.
Trước đó, vào quý đầu năm, nhà sản xuất đồ gỗ báo lãi suýt soát 4 tỷ đồng, chủ yếu nhờ ghi nhận khoản tiền lớn bồi thường từ cổ đông. TTF không nêu rõ danh tính cổ đông liên quan vào thời điểm đó.
Lũy kế 6 tháng đầu 2020, TTF đạt doanh thu thuần gần 626 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Lãi sau thuế hơn 11,2 tỷ đồng sau nửa đầu năm. Như vậy so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm, công ty mới đạt 26% kế hoạch doanh thu và 15% chỉ tiêu lợi nhuận của năm2020.
Trong hai năm 2018-2019, TTF liên tục báo lỗ hàng trăm tỷ đồng mỗi quý khi phải trích lập các khoản phải thu khó đòi và hàng tồn kho - những tàn dư để lại sau bê bối hàng tồn kho “bốc hơi” của ban lãnh đạo cũ.
Đến nay, hãng gỗ này đang trên đường tìm kiếm năm có lợi nhuận đầu tiên kể từ 2017, cũng là để giúp cổ phiếu TTF tránh tình trạng hủy niêm yết bắt buộc - vốn là quy định được đặt ra để bảo vệ nhà đầu tư tránh khỏi những doanh nghiệp thua lỗ 3 năm liên tiếp. Việc bị hủy niêm yết sẽ ảnh hưởng đến những phương án huy động vốn tương lai và cả hình ảnh của Công ty.
Theo Chủ tịch Mai Hữu Tín, TTF đã xử lý được tất cả tồn đọng. “Nếu không có lời (năm 2020) thì tôi sẽ từ chức”, ông khẳng định trước toàn thể cổ đông tại cuộc họp ĐHĐCĐ vào tháng 4/2020.
Cuối năm 2019, TTF đã khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy tủ bếp cùng nhà máy sản xuất nội thất gỗ cao cấp đặt trong khuôn viên trụ sở chính tại Bình Dương. Ngoài ra, một nhà máy ván ép cũng đang được triển khai tại tỉnh Bình Định.
Với định hướng chiến lược trở thành công ty nội thất số một tại Đông Nam Á trong 10 năm tới. Năm 2020 công ty tiếp tục đẩy mạnh phát triển khách hàng quốc tế và bán lẻ. Công ty cũng kỳ vọng bên cạnh xuất khẩu gỗ còn tìm cách chuyển mình sang nhà cung cấp nội thất tổng thể hàng đầu trong nước. Hiện đã có 70% sản lượng sản phẩm gỗ dành cho xuất khẩu tại các thị trường như Châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia,..Các chuỗi cửa hàng Walmart, Tesco…là hành khách chính của công ty.
Song tất cả những tín hiệu tích cực đó đang bị làm khó bởi sự bùng phát đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, mà theo đó, chế biến gỗ là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề. Thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, các đơn hàng bị hủy hoặc chậm dẫn đến không ít doanh nghiệp gỗ phải thu hẹp quy mô sản xuất.
Tại cuộc họp thường niên cuối tháng 4, Ban lãnh đạo công ty cũng nhìn nhận kinh tế thế giới năm 2020 chịu tác động rất lớn của dịch Covid-19 tới ngành gỗ và chế biến gỗ.Các thị trường trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam gồm Mỹ, Italia, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… đều có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh đến khả năng nhận hàng, phân phối và tiêu thụ đồ gỗ.Một số khách hàng đề nghị chậm giao hàng theo đơn hàng đã ký, chậm thanh toán tiền hàng vì nhân viên phải nghỉ tránh dịch. Dự kiến đơn hàng mới sẽ ký chậm chậm từ 3 – 6 tháng do lo ngại dịch bệnh, khách hàng chưa sang.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TTF tăng mạnh trong sáng ngày 31/07, đạt 2,840 đồng/cp. Tương ứng vốn hóa thị trường ở mức 884 tỷ đồng.