Được biết, VEAM có vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, phần vốn nhà nước chiếm 88% do Bộ Công thương quản lý. VEAM đã cổ phần hóa từ 2016 nhưng đến nay vẫn chưa niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM dù đã được cấp mã chứng khoán VEA từ 2017.
Theo BCTC hợp nhất quý I/2018, VEAM đạt doanh thu hợp nhất 1.740 tỷ đồng, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 104,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lãi trong công ty liên doanh liên kết lên tới 1.058,7 tỷ đồng, giúp lợi nhuận sau thuế quý I/2018 của Công ty đạt 1.040 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 775 đồng.
VEAM là tổng công ty lớn chuyên sản xuất các loại động cơ, máy nông nghiệp; sản xuất các loại linh kiện, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; chế tạo và lắp ráp ô tô - xe máy…
Lợi nhuận mỗi năm của VEAM lên tới hàng nghìn tỷ đồng và là một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất của Bộ Công thương. Hiện tại, VEAM đang nắm giữ 30% cổ phần Honda Việt Nam, 20% cổ phần Toyota Việt Nam, 25% cổ phần Ford Việt Nam.
VEAM cũng nắm phần vốn chi phối ở nhiều công ty con hoạt động hiệu quả như Futu1, Diesel Sông Công… Các công ty con, công ty liên doanh liên kết là những “mỏ vàng” thực sự khi mang về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức mỗi năm cho VEAM.
Ngoài những “mỏ vàng” từ liên doanh liên kết, VEAM còn có quỹ đất rộng lớn trải dài khắp các tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đồng Nai, Vũng Tàu... Trong đó, nhiều khu đất có vị trí khá “đắc địa” như tòa nhà VEAM với diện tích sử dụng 2.734 m2 tại quận Tây Hồ hay khu đất rộng 3,6 ha tại Hà Đông (Hà Nội).