Sau 1 năm nâng cấp quan hệ, đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam chờ bùng nổ

0:00 / 0:00
0:00
Nếu chỉ nhìn trên số liệu thống kê, thì đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Nhưng với các động thái trong một năm qua, có thể, đang có những cơn “sóng ngầm”, chuẩn bị cho một đợt bùng nổ mạnh mẽ.
Bên trong nhà máy của Intel tại Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn

Bên trong nhà máy của Intel tại Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn

Rất đông ‘ông lớn’ tìm đến

Ít ngày trước đây, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách quan hệ Chính phủ và kinh doanh toàn cầu của Tập đoàn SpaceX (Hoa Kỳ), ông Tim Hughes đã có chuyến viếng thăm Việt Nam, đúng dịp Việt Nam - Hoa Kỳ đánh dấu một năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Tim Hughes bày tỏ, SpaceX mong muốn đầu tư và cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam, trong đó có cung cấp dịch vụ Starlink trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, phòng, chống thiên tai… Thậm chí, ông còn đề nghị Việt Nam chuẩn bị hạ tầng và các điều kiện cần thiết khác để dự án phát huy hiệu quả cao, góp phần cùng Việt Nam phủ sóng Internet đến 100% dân số.

SpaceX không phải là doanh nghiệp Hoa Kỳ duy nhất tới Việt Nam gần đây. Kể từ sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào một năm trước, để sau đó hai nước chính thức nâng tầm quan hệ, rất đông “ông lớn” Hoa Kỳ tìm đến Việt Nam. Trong đó, không thể không kể đến Chủ tịch NVIDIA Jensen Huang, CEO Apple Tim Cook…

Hồi cuối năm ngoái, khi “phù thủy” AI Jensen Huang tới Việt Nam, rất nhiều cam kết đã được đưa ra, về việc sẽ biến Việt Nam trở thành “ngôi nhà” thứ hai của NVIDIA. Và điều đó dường như đang dần trở thành hiện thực, bởi hồi tháng 4/2024, Phó chủ tịch NVIDIA Keith Strier đã tới Việt Nam để thảo luận cụ thể về các kế hoạch hợp tác giữa hai bên.

Theo đó, một kế hoạch hợp tác đầu tư trong vòng 4 năm đã được trao đổi, gồm thành lập pháp nhân ở Việt Nam, thiết lập trung tâm R&D và đào tạo về AI; lắp đặt hệ thống siêu máy tính; chuyển một phần việc sản xuất các bộ vi xử lý hình ảnh (GPU) cho các siêu máy tính sang Việt Nam… NVIDIA vào thời điểm đó cũng đã cùng Tập đoàn FPT hợp tác để phát triển một “nhà máy” AI 200 triệu USD ở Việt Nam.

Trong khi đó, khi đến Việt Nam vào trung tuần tháng 4/2024, CEO Apple Tim Cook đã cam kết, Apple sẽ mua nhiều hơn các linh phụ kiện do các đối tác sản xuất tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo; tăng cường khoản chi cho nhà cung cấp tại Việt Nam…

Không đầu tư trực tiếp, song Apple ngày càng hiện diện sâu rộng tại Việt Nam thông qua hệ thống 70 nhà máy của các đối tác sản OEM, chuyên sản xuất linh kiện điện tử (như bảng điện, camera, màn hình…) và lắp ráp sản phẩm Apple. Con số được dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới, khi các cam kết mua hàng và mong muốn dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam được Apple đưa ra.

Tương tự, có thể nhìn thấy hàng loạt động thái tích cực từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ khác. Marvell là một ví dụ. Marvell đang muốn biến Việt Nam trở thành cứ điểm quan trọng hàng đầu trên toàn cầu.

Theo ông Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam, trong 3 năm tới, Marvell sẽ gia tăng nhân sự khoảng 20%/năm và hướng tới cột mốc 500 kỹ sư trong tương lai không xa, từ con số 400 hiện tại. Nếu đạt được con số đó, Việt Nam sẽ là trung tâm hoạt động lớn thứ 3, sau trụ sở chính tại Hoa Kỳ và Ấn Độ, của Marvell.

Và cả Google, Meta, Microsoft, Boeing, Amazon, Netflix, Pfizer, Visa… đều có động thái tích cực ở Việt Nam. Khi đoàn doanh nghiệp thuộc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) đến Việt Nam tháng 3/2024, dư luận nói rằng, đây là đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất kể từ trước tới nay.

Ông Ted Osius, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc USABC nhấn mạnh: “Các công ty Hoa Kỳ đang nhìn nhận Việt Nam như một thị trường mới nổi và điểm đến đầu tư hấp dẫn”.

Chờ đợi sự bùng nổ

PepsiCo cách đây ít lâu đã khởi công nhà máy mới 300 triệu USD ở Long An. “Ông lớn” bán dẫn Lam Research đang dự kiến hợp tác với Công ty Seojin (đã có các nhà máy đặt tại Bắc Ninh và Bắc Giang) để phát triển nhà máy cùng chuỗi cung ứng trong giai đoạn I, với số vốn 1- 2 tỷ USD. Đó là những tín hiệu rất khả quan.

Sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ với một tuyên bố chung, trong đó chỉ ra nhiều lĩnh vực có thể thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, gồm đổi mới sáng tạo, bán dẫn, rất nhiều kỳ vọng về sự bùng nổ dòng đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam. Nhưng thực tế, nhìn vào số liệu thống kê, con số không lớn.

Cụ thể, năm 2023, chỉ có hơn 623 triệu USD vốn đầu tư từ Hoa Kỳ đăng ký vào Việt Nam. 8 tháng đầu năm nay, con số còn khiêm tốn hơn, chỉ 135,8 triệu USD. Thế nên, hôm tiếp ông Tim Hughes của Tập đoàn SpaceX, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh về những con số “chưa xứng với tiềm năng”.

Cũng phải thấy rằng, những con số thống kê chưa phản ánh hết thực tế tình hình đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam. Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, kiêm Trưởng đại diện USABC tại Việt Nam, đã khẳng định điều này. Và thực tế, cả cơ quan thống kê là Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhiều lần nhấn mạnh điều đó.

Một ví dụ cụ thể. Đó là hồi tháng 6/2024, Tập đoàn Amkor đã nâng vốn thêm 1,07 tỷ USD để tăng tổng vốn đầu tư nhà máy bán dẫn ở Bắc Ninh lên 1,6 tỷ USD, sớm 11 năm so với kế hoạch ban đầu. Đây là một khoản đầu tư lớn, rất có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu.

Amkor là một trong các nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn thuê ngoài lớn nhất thế giới, đồng sáng lập là người Hàn Quốc, nhưng đặt trụ sở ở Hoa Kỳ. Tuy vậy, Amkor đầu tư vào Việt Nam qua pháp nhân ở Singapore, giống như nhiều tập đoàn lớn khác, bao gồm Samsung. Chính vì vậy, khoản đầu tư này được tính cho Singapore. Rất nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đầu tư vào Việt Nam thông qua nước thứ ba như thế, do vậy, con số thống kê đúng là chưa phản ánh hết tình hình.

Dù vậy, bỏ qua yếu tố này, vẫn có thể kỳ vọng sự bùng nổ của đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam thời gian tới. Kỳ vọng đó không chỉ đến từ sự quan tâm của các đối tác Hoa Kỳ, mà còn từ sự nỗ lực của phía Việt Nam.

“Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn, công nghệ cao, AI..., quyết tâm cụ thể hóa các nội dung hợp tác trong Tuyên bố chung của hai nước”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần khẳng định điều này.

Ở vai trò “Tổng tư lệnh” của ngành Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trong thời gian qua đã rất nỗ lực trong kêu gọi, xúc tiến các “đại bàng” công nghệ, trong đó có Hoa Kỳ, đến Việt Nam. Tháng 6/2024, ông cũng đã đích thân tới Mỹ, vào thẳng “đại bản doanh” của hàng loạt tập đoàn lớn của Mỹ, như ARM, Google, Marvell… để kêu gọi các tập đoàn này tới đầu tư tại Việt Nam.

Lần đầu tiên, dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jose Fernandez, Đối thoại kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ đã được tổ chức. Hai bên thống nhất hàng loạt giải pháp trong thúc đẩy thu hút và duy trì đầu tư chất lượng cao, thiết lập hợp tác xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn; hợp tác về môi trường kinh doanh…, mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ. Đây chính là nền tảng quan trọng để dòng đầu tư từ Mỹ sẽ tăng tốc vào Việt Nam trong thời gian tới.

Tin bài liên quan