Nhu cầu tiêu thụ thép giai đoạn cuối năm 2023 được dự báo chủ yếu đến từ đầu tư công và xuất khẩu

Nhu cầu tiêu thụ thép giai đoạn cuối năm 2023 được dự báo chủ yếu đến từ đầu tư công và xuất khẩu

Sắt thép “lấp ló” đầu ra

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành thép đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng nhu cầu tiêu thụ yếu vẫn là thách thức lớn. Mặc dù vậy, ngành này đang có động lực phía trước để đẩy mạnh bán hàng cả trong và ngoài nước.

Ba yếu tố khiến giá thép giảm

Nửa cuối năm 2022 là giai đoạn khó khăn nhất đối với ngành thép khi giá nguyên liệu sản xuất tăng cao, còn nhu cầu thép sụt giảm, khiến một loạt doanh nghiệp thua lỗ.

Sang quý I/2023, nhu cầu tiêu thụ tiếp tục ảm đạm, nhưng trước áp lực chi phí đầu vào như giá than cốc, quặng sắt, thép phế gia tăng, không ít doanh nghiệp sản xuất thép buộc phải tăng giá bán. Mặc dù vậy, xu hướng của giá thép cho đến nay là giảm, các doanh nghiệp liên tục hạ giá để tăng tính cạnh tranh, kích thích nhu cầu. Trong đó, giá bán thép xây dựng có hơn 10 đợt giảm liên tiếp, hiện giá thép CB240 trong khoảng 13,74 - 14,48 triệu đồng/tấn, giá thép D10 CB300 trong khoảng 14,06 - 15,1 triệu đồng/tấn (tuỳ thương hiệu), thấp hơn khoảng 1 triệu đồng/tấn so với cuối năm 2022.

Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến giá bán thép giảm.

Thứ nhất, giá nguyên liệu sản xuất thép những tháng đầu năm 2023 ở mức cao khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc bù lại giá thành sản xuất và giảm lỗ. Trong khi đó, tiêu thụ thép trong nước yếu do thị trường bất động sản vẫn đình trệ, giải ngân đầu tư công chậm, các dự án nhà ở xã hội mới được triển khai chưa nhiều, hệ thống ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thép xây dựng sản xuất đạt gần 5 triệu tấn, giảm 25,5%; lượng tiêu thụ đạt gần 5,1 triệu tấn, giảm 22,7%, trong đó xuất khẩu 831.000 tấn, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022.

Thứ hai, thị trường xuất khẩu thép gặp khó khăn do các nền kinh tế lớn tại châu Âu và Mỹ đối mặt với nguy cơ suy thoái, cùng bất ổn địa chính trị tại một số nơi trên thế giới.

Thứ ba, Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép và liên tục giảm giá để cạnh tranh, đưa giá thép xuống mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây (về mức 920 USD/tấn), do nhu cầu tại thị trường nội địa suy yếu. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng xuất khẩu thép tăng 41% so với cùng kỳ, đạt 36,3 triệu tấn. Các chuyên gia nước này dự đoán, sản lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc có thể đạt 77 triệu tấn trong năm nay, tăng hơn 14% so với năm ngoái.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, hầu hết doanh nghiệp thép sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh quý II/2023 khả quan hơn quý I, nhưng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Bước sang quý III/2023, chuyên gia của VDSC lưu ý với nhà đầu tư, cần tiếp tục theo dõi sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp thép để có kỳ vọng hợp lý về lợi nhuận, bởi quý III là mùa mưa và có tháng Ngâu, mùa thấp điểm là tháng 8, tháng 9.

Về phía doanh nghiệp, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thép Pomina nhận định, từ nay đến cuối năm 2023, thị trường bất động sản nhiều khả năng vẫn trầm lắng, phải đến tháng 6/2024 mới thực sự tốt trở lại. Do đó, “cứu cánh” của thị trường thép giai đoạn cuối năm nay chủ yếu là đầu tư công.

Điểm sáng thép cuộn cán nóng và động lực thời gian tới

Thép xanh được nhận định sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, tiến sâu vào các thị trường xuất khẩu tiềm năng khi nhu cầu quay trở lại.

Dù khó khăn được dự báo sẽ kéo dài, nhưng điểm sáng của ngành thép thời gian qua là hoạt động xuất khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) có diễn biến tích cực.

Theo VDSC, sản lượng xuất khẩu thép HRC trong nửa đầu năm 2023 ước đạt gần 1,7 triệu tấn, đóng góp một nửa tổng khối lượng tiêu thụ HRC. Đây là thông tin tích cực, thể hiện ngành sản xuất thép trong nước có thể cạnh tranh ở tầm quốc tế, giúp các nhà máy tiêu thụ hàng khi nhu cầu trong nước yếu và có nguồn thu ngoại tệ để cân bằng ảnh hưởng của tỷ giá.

Thực tế, thép Việt Nam gần đây được đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, nhất là khi giá HRC bên Mỹ duy trì ở mức cao từ 900 - 1.000 USD/tấn, cao hơn 300 - 400 USD/tấn so với thị trường châu Á.

Trong khi đó, giá nguyên vật liệu dần hạ nhiệt. Giá quặng sắt đến giữa tháng 7/2023 là 112 USD/tấn, thấp hơn gần 16% so với mức đỉnh gần nhất được thiết lập kể từ giữa tháng 3. Giá quặng sắt bình quân quý II/2023 khoảng 113 USD/tấn, giảm 11% so với đầu quý I và giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022. Giá than mỡ luyện cốc bình quân quý II/2023 ở mức 243,8 USD/tấn, giảm 29% so với quý I và giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, các chi phí sản xuất, đặc biệt là chi phí vận chuyển sắt thép giảm nhiều so với giai đoạn trước, giúp biên lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất thép được cải thiện. Các doanh nghiệp cũng chủ động trung bình giá lượng hàng tồn kho giá cao khi giá thép giảm và sử dụng gần hết trong vòng quay gần nhất. Do đó, áp lực trích lập hàng tồn kho trong những quý tới sẽ giảm.

Một động lực khác cho tiêu thụ thép giai đoạn cuối năm 2023 đến từ đầu tư công. Bộ Tài chính thông tin, trong 6 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 215.578,9 tỷ đồng, bằng 30,49% kế hoạch cả năm Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, với mục tiêu giải ngân ít nhất 95% trong tổng số hơn 700.000 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, khối lượng vốn cần giải ngân trong nửa cuối năm khoảng 67%, tương đương khoảng 470.000 tỷ đồng.

“Xanh hoá”, ngành thép sẽ gia tăng sức cạnh tranh

Sản xuất thép là một trong những ngành phát thải khí CO2 nhiều nhất, do nhiên liệu hoá thạch là một nhiên liệu thiết yếu để sản xuất thép.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trong 10 năm qua, tổng lượng khí thải CO2 từ ngành sắt thép toàn cầu tăng lên, phần lớn đến từ nhu cầu thép gia tăng. Cường độ CO2 trực tiếp từ quá trình sản xuất thép thô giảm nhẹ trong vài năm gần đây, nhưng các nỗ lực cần phải được đẩy nhanh để có thể đáp ứng lộ trình đạt phát thải ròng bằng 0 của ngành vào năm 2050.

Để đảm bảo mục tiêu cắt giảm khí thải, châu Âu đang là khu vực kinh tế dẫn đầu trong việc hướng tới sản xuất thép xanh. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia bắt đầu chú trọng vào việc cải tiến các công nghệ, tăng cường tái chế thép phế liệu để giảm thiểu tác động lên môi trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ…

Tại Việt Nam, ông Nguyễn Sĩ Linh, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, các đơn vị sản xuất xi măng, thép và nhựa dự kiến sẽ là các bên liên quan tích cực tham gia thị trường các-bon trong nước.

Việc giảm phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực sản xuất được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ cácbon thấp, chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển thị trường cácbon trong nước, các mô hình kinh tế tuần hoàn, nhất là khi Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (Hòa Phát) là đơn vị quan tâm và đầu tư rất sớm cho sản xuất thép xanh. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát từng chia sẻ tại đại hội cổ đông năm 2022 rằng, Hoà Phát muốn làm thép xanh vì đây là xu hướng chung của thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu, Mỹ, G7 cũng đang làm thép xanh theo nhiều phương pháp.

Những năm gần đây, tỷ lệ vốn Hoà Phát dành cho xử lý vấn đề về môi trường trong các dự án mới nhiều hơn. Việc nghiên cứu thép xanh sẽ giúp giảm phát thải ra môi trường và nằm trong chiến lược dài hạn.

Hoà Phát đã đầu tư thiết bị công nghệ tuần hoàn khép kín, thân thiện với môi trường cho cả hai khu liên hợp sản xuất gang thép tại Hải Dương và Quảng Ngãi, số vốn đầu tư cho các hạng mục về môi trường chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư cố định các dự án.

Hoà Phát cũng chi tới 30% tổng giá trị đầu tư thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc tại dự án Khu liên hiệp sản xuất gang thép Dung Quất. Ngoài ra, doanh nghiệp nâng cao sản lượng điện tự sản xuất, qua đó giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và giảm bớt áp lực cho ngành điện, nhất là vào mùa khô.

Xanh hoá ngành thép là xu hướng tất yếu, dù có nhiều thử thách với chi phí vốn lớn đối với các doanh nghiệp, nhưng thép xanh được nhận định sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, tiến sâu vào các thị trường xuất khẩu tiềm năng khi nhu cầu quay trở lại.

Tin bài liên quan