Sát hạch kế toán, sao lại phải Thứ trưởng Bộ Tài chính làm?

Sát hạch kế toán, sao lại phải Thứ trưởng Bộ Tài chính làm?

(ĐTCK) Ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), đặt câu hỏi như vậy, tại “Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện Dự thảo Luật Kế toán sửa đổi”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) và Bộ Tài chính tổ chức sáng nay (27/5).

Theo thông lệ quốc tế, việc tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ cho những người hành nghề kế toán do hội ngành nghề đảm nhiệm, nhưng việc này tại Việt Nam đang do Bộ Tài chính đứng ra làm.

“Với cách thức tổ chức thi sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề kế toán đang được Bộ Tài chính tổ chức hiện tại, thì Thứ trưởng Bộ Tài chính làm Chủ tịch hội đồng thi và cấp chứng chỉ. Thứ trưởng mà phải trực tiếp tham gia sự vụ này sao…?”, ông Thanh nói và cho rằng, đây là việc làm không đáng, vì lẽ ra Thứ trưởng nên dành nhiều thời gian hơn cho làm chính sách vĩ mô.

Với lý lẽ như vậy, việc dự thảo Luật Kế toán sửa đổi, chỉ đề cập mờ nhạt vai trò của các hội nghề nghiệp không nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp, chuyên gia.

“Dự thảo Luật cần có một chương riêng quy định về hội ngành nghề trong lĩnh vực kế toán, nếu quy định như dự thảo thì rất ‘bó’, không khả thi. Cần trao cho các hội ngành nghề này làm những việc như thông lệ quốc tế, tránh tình trạng cơ quan quản lý nhà nước ‘ôm’ quá nhiều việc như hiện nay…”, ông Trần Văn Tá, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) nói.

Các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực kế toán, cần được trao đảm trách việc đào tạo nâng cao trình đội hội viên; đăng ký hành nghề và quản lý đăng ký hành nghề; xây dựng hệ thống chuẩn mực và ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán; kiểm tra chất lượng dịch vụ; tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề kế toán.

“Làm những việc trên chẳng qua là trả lại tên cho em, chứ chẳng có gì mới theo thông lệ quốc tế…”, ông Tá nói thêm.

Cũng theo ông Tá, qua đọc dự thảo Luật thì cảm thấy Ban soạn thảo vẫn còn nặng tư tưởng thiên về phục vụ cho nhiệm vụ quản lý của cơ quan quản lý nhà nước hơn là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp áp dụng các chế độ kế toán trong nâng cao chất lượng quản trị… Dự thảo vẫn còn phảng phất yêu những yêu cầu “dễ cho quản lý nhưng khó cho thực thi”, khi đưa ra các cầu hơi nặng cho đối tượng áp dụng như như các mẫu sổ sách kế toán, chứng từ…

Ông Tá cho rằng cần rà soát kỹ lại vấn đề này, để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Ban soạn thảo cần nhìn sâu hơn vào yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Hãy đặt nhiệm vụ quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ngang nhau, đừng mất cân đối như hiện tại…

Tin bài liên quan