Cuộc họp báo đã thu hút sự quan tâm của nhiều quỹ đầu tư lớn, các đối tác, khách hàng của Sasco cùng phóng viên báo đài. Khá nhiều thắc mắc của nhà đầu tư đã được đại diện Sasco trả lời trực tiếp.
Nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm đến sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và đối tác chiến lược với Sasco sau khi Công ty thực hiện cổ phần hóa. Đại diện Sasco cho biết, sau IPO, Nhà nước chỉ còn nắm 51% phần vốn tại Công ty, 49% cổ phần còn lại sẽ dành cho các nhà đầu tư. Cụ thể, cán bộ công nhân viên nắm 1,75%, nhà đầu tư chiến lược nắm 23,6% và các cổ đông khác mua thông qua đấu giá 23,65%.
Việc đa dạng hóa thành phần sở hữu doanh nghiệp là một tất yếu, nhằm huy động vốn và trí tuệ xã hội cho sự phát triển lâu dài và bền vững của Công ty. Riêng về đối tác chiến lược, Sasco chọn lựa các đối tác không chỉ có nguồn vốn mạnh mà còn am hiểu về công nghệ và thị trường để có thể ráp nối vào chuỗi giá trị của mình. Hiện tại, Sasco đã có các nhà đầu tư chiến lược và đang trong quá trình chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Sasco là một trong những công ty có hoạt động lâu đời trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ tại thị trường sân bay Tân Sơn Nhất. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, hiện đang có nhiều đơn vị cung cấp hàng hóa và dịch vụ chia sẻ thị phần cùng Sasco và theo đại diện Công ty thì thị trường này ở giai đoạn bão hòa khi sân bay đang hoạt động hết công suất, không còn khả năng mở rộng để tiếp đón thêm các chuyến bay. Sasco đang nghiên cứu và mở rộng thị trường ra ngoài phạm vi sân bay Tân Sơn Nhất, bao gồm sản xuất - đóng chai nước mắm Phú Quốc, dịch vụ du lịch và vận chuyển ở Phú Quốc.
Sau đợt bán đấu giá, Công ty dự kiến có vốn điều lệ 1.315 tỷ đồng và sẽ tiếp tục phát triển những hoạt động kinh doanh cốt lõi, vốn là thế mạnh của Công ty. Sasco cũng đang có kế hoạch mở rộng thêm mảng kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch khi điều kiện thị trường cho phép cũng như được sự đồng thuận của cổ đông, nhằm đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, gia tăng lợi ích cho cổ đông và người lao động.