Theo đó, gói đầu tư mở rộng giai đoạn II này trị giá 8 triệu USD của Sapa BTG bao gồm: lắp đặt thêm một máy ép mới lớn hơn máy ép hiện tại, xây dựng nhà xưởng và các thiết bị phụ trợ. Máy ép mới sẽ đi vào hoạt động giữa năm 2016, nâng tổng công suất của Nhà máy lên 15.000 tấn. Như vậy, tổng vốn đầu tư của Dự án được nâng lên 18,652 triệu USD.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quang Tiên, Tổng giám đốc Ben Thanh Group cho biết, Tập đoàn Sapa chính thức đầu tư vào Sapa BTG từ tháng 12/2010. Trong giai đoạn 2011 - 2013, doanh thu của Sapa BTG tăng bình quân 9,4%/năm và lợi nhuận trước thuế tăng 38%/năm. Ngoài tiêu thụ nội địa, sản phẩm của Sapa BTG còn xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ và Nhật Bản.
Với hợp đồng vừa ký kết, sau khi giai đoạn II đi vào hoạt động vào giữa năm 2016, tổng công suất nhà máy sẽ đạt 15.000 tấn/năm (công suất hiện tại là 7.000 tấn/năm). Sản phẩm nhôm định hình của Sapa hiện được tiêu thụ ở thị trường nội địa, xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada. Sắp tới, ngoài các thị trường truyền thống, sản phẩm của Sapa sẽ được tiêu thị mở rộng tại thị trường Đông Nam Á và châu Úc.
Về tỷ lệ đầu tư của Dự án, ông Nguyễn Quang Tiên cho biết, Sapa Group chiếm 65% và Ben Thanh Group chiếm 35% trong liên doanh Sapa BTG.
Lý giải về lý do mở rộng đầu tư trong bối cảnh hiện nay, ông Keith Jones, Chủ tịch Sapa BTG, Chủ tịch Tập đoàn Sapa tại châu Á cho biết: “Nhôm là vật liệu đang được ưa chuộng tại các nước do tính chất nhẹ, chịu nhiệt cao và đặc biệt thích ứng với khí hậu khắc nghiệt tại Việt Nam. Nhôm hiện được sử dụng trong nhiều ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, với mức tiêu thụ tăng bình quân 15 - 20%/năm. Sapa và Ben Thanh Group phê duyệt đầu tư thêm 8 triệu USD nhằm tăng gấp đôi năng lực sản xuất của Nhà máy liên doanh Sapa BTG để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường nội địa và khu vực đối với sản phẩm và giải pháp nhôm định hình cao cấp”.