Sắp xếp lại, xử lý tài sản công: Làm sao để nhà đầu tư không quay lưng?

Sắp xếp lại, xử lý tài sản công: Làm sao để nhà đầu tư không quay lưng?

(ĐTCK) Ngày 31/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Đây là điều rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng, khai thác các tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, việc quy định các công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ cũng là đối tượng áp dụng của Nghị định đang đặt ra những băn khoăn, thắc mắc cho các nhà đầu tư đã bỏ vốn vào các doanh nghiệp này. 

Băn khoăn đối tượng áp dụng

 Khoản 2, Ðiều 2, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) quy định, đối tượng áp dụng Luật gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Như vậy, Luật không áp dụng đối với đối tượng là các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ. 

Trong khi đó, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Khoản 1, Ðiều 3) có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 quy định: “Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước, đất đai và các loại tài nguyên khác”.

Luật Quản lý và sử dụng tài sản công không quy định tài sản của các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, mà Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ là tài sản công.

Ðiểm c, Khoản 1, Ðiều 110, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về cổ đông trong công ty cổ phần: “Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp”.

Theo đó, đối với các công ty cổ phần mà Nhà nước với tư cách là một cổ đông nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên thì Nhà nước cũng chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Như vậy, quy định đối tượng sắp xếp lại, xử lý tài sản công tại Nghị định 167/2017/NÐ-CP (gồm các công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) ở góc độ nào đó gây băn khoăn rất lớn cho các nhà đầu tư.

Tài sản có tại các công ty cổ phần nhà nước nắm giữ 50% vốn trở lên là tài sản chung của các cổ đông công ty (bao gồm cổ đông nhà nước và các cổ đông khác).

Vì vậy, có nên quy tài sản tại các công ty này là tài sản công để tiến hành sắp xếp, xử lý như đối với tài sản tại các cơ quan nhà nước, các công ty nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ?

Ðáng quan ngại hơn là quy định này áp dụng với cả các công ty con, công ty cháu của công ty nhà nước nắm sở hữu 51% trở lên.

Nhà đầu tư khi tham gia đấu giá mua cổ phần của các công ty nhà nước cổ phần hóa, họ nhìn thấy tiềm năng của tài sản (bao gồm cả đất đai) nên bỏ giá mua cổ phần (thậm chí mua với giá cao), ví dụ trong các thương vụ IPO của Becamex Bình Dương, Tổng công ty Phát điện 3...

Nay Chính phủ quy định như tại Nghị định 167/2017/NÐ-CP có thể gây ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư, chưa thể hiện chính sách nhất quán với nhà đầu tư trong quá trình bán bớt vốn nhà nước tại các công ty nhà nước cổ phần hóa.

Việc coi doanh nghiệp nắm chi phối (từ 51% trở lên) vẫn là doanh nghiệp nhà nước có thể tạo ra hệ lụy về lâu dài với công cuộc cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước.

Việc co hẹp quyền sắp xếp tài sản của các doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối có thể khiến các nhà đầu tư e ngại tham gia các đợt IPO, thoái vốn cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước, thậm chí tìm cách thoái vốn khỏi các doanh nghiệp mà Nhà nước đang nắm trên 51%.

Ðâu là giải pháp tháo gỡ?

Ðể đảm bảo chính sách nhất quán trong việc thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi Nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện bán vốn thông qua việc cổ phần hóa các công ty nhà nước, chuyển nhượng vốn để giảm tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên xuống mức trên 50% vốn điều lệ, cũng như đảm bảo thực hiện đúng các quy định của các luật và nghị định đã ban hành nêu trên, các nhà đầu tư khuyến nghị Chính phủ xem xét các giải pháp sau:

Thứ nhất, cân nhắc sửa đổi Nghị định 167/2017/NÐ-CP. Theo đó, bỏ nội dung các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ ra khỏi đối tượng áp dụng của Nghị định (tại Ðiểm b, Khoản 1, Ðiều 2); đồng thời sửa đổi phạm vi áp dụng của Nghị định theo hướng không áp dụng đối với nhà, đất của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần được cổ phần hóa (Ðiểm b, Khoản 2, Ðiều 1) mà Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ.

Hoặc làm rõ đối tượng áp dụng của Nghị định 167/2017/NÐ-CP là các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước trực tiếp nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và không áp dụng đối với các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ.

Ðồng thời, sửa đổi phạm vi áp dụng của Nghị định 167/2017/NÐ-CP theo hướng không áp dụng đối với nhà, đất của công ty cổ phần là công ty con của các doanh nghiệp nhà nước. (Ðiểm b, Khoản 2, Ðiều 1).

Hiện nay, mặc dù Nghị định 167/2017/NÐ-CP đã hiệu lực, nhưng do chưa có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ hay thông tư hướng dẫn nên việc thực thi các quy định liên quan đến phạm vi áp dụng (Ðiểm b, Khoản 2, Ðiều 1) và đối tượng áp dụng là các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ (Ðiểm b, Khoản 1, Ðiều 2) tại các cơ quan có thẩm quyền còn chưa được thông suốt, kịp thời, có thể làm giảm cơ hội kinh doanh, khai thác, sử dụng tài sản của doanh nghiệp, phần nào tạo ra tâm lý lo lắng cho các nhà đầu tư đã đầu tư vào doanh nghiệp. 

Do đó, việc xem xét và xử lý các vướng mắc tại Nghị định 167/2017/NÐ-CP theo 1 trong 2 phương án trên sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo lập niềm tin cho các nhà đầu tư và điều quan trọng hơn cả là tạo hành lang pháp lý vững chắc cho thành công của quá trình cổ phần hóa công ty nhà nước, thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp hiện nay cũng như trong thời gian tới.

Tin bài liên quan