Sắp xếp lại bộ máy viện kiểm sát, đề xuất tăng 8 kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao

0:00 / 0:00
0:00
Nâng số lượng Kiểm sát viên Viện KSND Tối cao tối đa từ 19 người thành 27 người để bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ công tố, kiểm sát xét xử đối với hoạt động của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu.

Tiếp tục phiên họp thứ 44, sáng 25/4 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

Trình bày tờ trình Dự án luật, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết một số nội dung được sửa đổi liên quan đến tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy Viện KSND từ mô hình 4 cấp (cấp tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) thành 3 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực).

Đồng thời nâng số lượng Kiểm sát viên Viện KSND Tối cao tối đa từ 19 người thành 27 người để bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ công tố, kiểm sát xét xử đối với hoạt động của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.

Dự thảo luật quy định về điều khoản chuyển tiếp theo hướng kể từ ngày 1/7/2025, việc chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp giữa Viện kiểm sát các cấp thực hiện theo quy định của các luật về tố tụng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Luật này trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm đáp ứng yêu cầu của Đảng và giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn - theo Viện trưởng.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành với Dự thảo luật. Nhưng, đề nghị cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng việc đề xuất tăng số lượng từ 19 lên 27 Kiểm sát viên Viện KSND Tối cao nhằm đáp ứng việc tăng án ở cấp trung ương do kết thúc hoạt động của TAND và Viện KSND cấp cao là chưa phù hợp với chủ trương xuyên suốt của Đảng về tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tránh dồn án lên cấp trên, nhất là dồn án lên cấp trung ương.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới nêu vấn đề, khi tổ chức viện KSND khu vực thì việc tổ chức TAND khu vực và cơ quan điều tra khu vực cũng cần thống nhất. Ông Tới đề nghị việc thành lập các cơ quan này cần quy định cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước quyết định để thống nhất.

Báo cáo sau đó, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, về việc thành lập Viện KSND khu vực, Viện KSND tối cao và TAND tối cao sẽ thống nhất với nhau. Còn thẩm quyền quyết định thành lập các viện KSND và TAND khu vực sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc thành lập các viện KSND và TAND khu vực tại các luật về tổ chức viện KSND và TAND quy định sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. TAND, viện KSND sẽ phải thống nhất với nhau về phạm vi lãnh thổ, địa hạt tư pháp, kể cả đồng bộ nơi đặt trụ sở của các cơ quan cấp khu vực này.

Với cơ quan điều tra, theo ông Tùng, dự án luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự mà Bộ Công an trình lại tiếp cận theo cách khác. Hiện cơ quan soạn thảo đang trình Quốc hội giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tổ chức bộ máy cụ thể cơ quan điều tra trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân.

Hiện nay, khi không tổ chức công an cấp huyện thì Bộ Công an và Viện KSND Tối cao đã có thông tư liên tịch quy định cơ quan điều tra công an cấp tỉnh sẽ thực hiện nhiệm vụ điều tra liên quan thẩm quyền của tòa án, viện kiểm sát cấp huyện hiện nay.

“Dự thảo luật mà Bộ Công an đang trình cũng không quy định cụ thể, song dự kiến theo hướng là công an cấp tỉnh thực hiện điều tra liên quan thẩm quyền tòa, viện khu vực”, ông Tùng thông tin thêm và nêu rõ đây là vấn đề tiếp tục thảo luận khi khi Quốc hội xem xét, thông qua các dự án luật này.

Tin bài liên quan