TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa
“Không bán, không giao được thì cần giải tán, vì vướng mắc lớn nhất là giải quyết chế độ cho người lao động thì đã được Chính phủ xử lý bằng Nghị định 63/2015/NĐ-CP”, TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiến kế.
Ông có cho rằng, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước bằng biện pháp bán, giao và chuyển giao vẫn đang quá khó khăn, thậm chí là bế tắc?
Năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định 103/1999/NĐ-CP, sau đó được thay thế bằng Nghị định 80/2005NĐ-CP, rồi đến Nghị định 109/2008/NĐ-CP và gần đây nhất là Nghị định 128/2014/NĐ-CP. Điều này cho thấy, Chính phủ rất sốt sắng trong việc xử lý những doanh nghiệp quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động kém và thuộc lĩnh vực Nhà nước không cần đầu tư.
Nhưng kết quả chưa như mong muốn. Trong số 4.230 doanh nghiệp được cổ phần hóa trong 15 năm qua, thì sắp xếp bằng các biện pháp khác chỉ chiếm già nửa (khoảng 2.740 doanh nghiệp). Điều đáng nói là, kể từ năm 2011 đến nay, trong số 384 doanh nghiệp được sắp xếp thì việc giao, bán chỉ có khoảng 100 đơn vị, còn lại tiến hành bằng biện pháp cổ phần hóa. Kết quả này cho thấy, việc sắp xếp doanh nghiệp nhà nước thông qua giao, bán chưa thể nói là bế tắc, song kết quả đạt được rất thấp.
Theo ông, nếu không giao, bán được thì xử lý những doanh nghiệp này thế nào?
Đối với những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, ngành nghề mà Nhà nước không cần đầu tư, hoạt động kinh doanh thua lỗ, tình hình tài chính thiếu lành mạnh mà bán và giao không được, thì trước hết, vẫn chuyển thành công ty cổ phần theo tinh thần Nghị quyết 40/NQ-CP (năm 2015).
Sau một thời gian, doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu không thành công, vốn liếng chẳng còn, nợ nần đầm đìa, kế hoạch sản xuất - kinh doanh vẫn mờ mịt, không cổ phần hóa được, bán không ai mua, thì cho phá sản. Nếu phá sản không xong, thì chỉ còn cách đóng cửa, giải tán, chứ chẳng còn cách nào khác.
Giải thể, phá sản chắc không khó, nhưng vấn đề là quyền lợi của người lao động, đặc biệt là những người đã gắn bó với doanh nghiệp hàng chục năm?
Theo quy định, khi doanh nghiệp bị giải thể, phá sản thì tài sản còn lại của doanh nghiệp được ưu tiên để trả nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động và quyền lợi khác theo hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể đã ký kết. Trong trường hợp tài sản doanh nghiệp không còn gì, thì các chủ nợ, ngân sách nhà nước và người lao động dù muốn hay không cũng phải chịu thiệt, chứ không còn cách giải quyết nào khác.
Trong trường hợp này, để giảm bớt thiệt hại cho người lao động, theo ông, có nên sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để hỗ trợ người lao động?
Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước quản lý. Quỹ này có nguồn thu khá lớn do được hình thành từ cổ phần hóa; giao, bán, khoán, cho thuê, giải thể, phá sản doanh nghiệp nhà nước; các khoản thu sau cổ phần hóa…
Trong số 6 khoản chi của Quỹ theo Quyết định 21/2012/QĐ-TTg có “các khoản chi khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ”. Như vậy, nếu linh động thì cũng có thể sử dụng nguồn tài chính từ quỹ này để hỗ trợ người lao động khi doanh nghiệp bị đóng cửa, phá sản, nhưng theo tôi, không nên thực hiện vì mất công bằng. Lý do là, cùng khó khăn đến mức bị giải thể, phá sản, thì tại sao Nhà nước chỉ hỗ trợ người lao động đã từng làm việc ở khu vực doanh nghiệp nhà nước, mà không hỗ trợ người lao động làm việc ở doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài?
Nhưng nếu xử lý cứng nhắc thì sẽ có hàng chục ngàn người lao động, đặc biệt là lao động đã có hàng chục năm làm việc cho khu vực doanh nghiệp nhà nước, bị thiệt hại về quyền lợi?
Về vấn đề này, Chính phủ đã có cách xử lý khá hợp lý. Cụ thể, theo Nghị định 63/2015/NĐ-CP quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, trong đó có sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, thì kể từ ngày 15/9/2015, trường hợp người lao động dôi dư buộc phải nghỉ hưu trước tuổi sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi. Ngoài ra, người lao động còn được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; được hỗ trợ 1 tháng lương cơ sở cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội. Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối đa 6 tháng thì được Nhà nước đóng một lần cho số tháng còn thiếu để giải quyết chế độ hưu trí.
Nếu không thuộc 2 đối tượng trên, người lao động bị mất việc do doanh nghiệp giải thể, phá sản sẽ được hưởng các chính sách khác, như được hưởng trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, được hỗ trợ trợ một khoản tiền cho mỗi năm làm việc…
Tôi tin rằng, các chính sách này sẽ tạo điều kiện cho việc tiến hành phá sản, giải thể những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa không được, giao cho người lao động không xong, vì vướng mắc lớn nhất trong việc xử lý những doanh nghiệp này là giải quyết chế độ cho người lao động thì đã có hướng thực hiện.