Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, các yếu tố làm cơ sở cho tăng giá điện đã hình thành trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tránh tác động tâm lý không tích cực đến người dân, doanh nghiệp tại thời điểm trước Tết, nên phương án tăng giá sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ vào thời điểm sau Tết.
“Theo quy định hiện hành, nếu mức tăng giá điện từ 7-10% thì Bộ Công thương sẽ xem xét, quyết định và báo cáo Chính phủ. Trong trường hợp mức tăng hơn 10%, thì EVN phải báo cáo Bộ Tài chính, trên cơ sở đó liên bộ Tài chính- Công thương sẽ xem xét và báo cáo Chính phủ…”, ông Thắng cho hay.
Liên quan đến vấn đề trên, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, cho biết: “Các phương án đề nghị điều chỉnh giá điện của EVN lần này nằm trong phạm vi từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, nên thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương”.
Trước câu hỏi, hiện giá xăng dầu giảm mạnh, nên kéo theo một số chi phí sản xuất điện giảm, do đó lẽ ra giá điện phải điều chỉnh giảm, chứ không phải tăng, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phân tích, đáng tiếc là sản lượng điện được sản xuất bằng dầu hiện chỉ chiếm 0,55% tổng sản lượng điện của các nước. Do đó, việc giảm giá xăng dầu hầu như không tác động đến giảm chi phí sản xuất điện. Ngược lại các loại chi phí có đóng góp lớn trong cơ cấu giá thành sản xuất điện như: than, khí, thuế tài nguyên… thời gian qua tăng, nên việc điều chỉnh tăng giá điện theo cơ chế thị trường trong thời gian tới là tất yếu.