Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính chủ trì buổi họp báo chiều 18/12 (Ảnh: M.Minh)

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính chủ trì buổi họp báo chiều 18/12 (Ảnh: M.Minh)

Sắp tổng kiểm kê tài sản tại hơn 100.000 đơn vị trên toàn quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là lần đầu thực hiện tổng kiểm kê tài sản quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, với đối tượng thực hiện kiểm kê khoảng 100.000 đơn vị và nhiều loại tài sản khác nhau,

Chiều 18/12, Bộ Tài chính họp báo chuyên đề về Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 1/3/2024 phê duyệt Đề án Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng (KCHT) do Nhà nước đầu tư, quản lý (sau đây gọi là Đề án 213).

"Đây là nhiệm vụ chính trị lớn của Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2024 và 2025 để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý, sử dụng, khai thác, huy động có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng", vị đại diện nói.

Theo Đề án 213, tài sản thực hiện kiểm kê gồm 2 nhóm:

Nhóm tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định (trừ tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tài sản thuộc danh mục bí mật nhà nước);

Nhóm tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý gồm: Tài sản KCHT giao thông: đường sắt, đường bộ, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải; KCHT cấp nước sạch, KCHT thủy lợi, KCHT thương mại là chợ, KCHT cụm công nghiệp, khu công nghiệp, KCHT khu kinh tế, KCHT khu công nghệ cao, KCHT khu công nghệ thông tin tập trung, KCHT ứng phó với biến đổi khí hậu là đê điều, KCHT cảng cá, KCHT thuộc thiết chế văn hóa, thiết chế thể thao ở cơ sở (cấp xã, cấp thôn), làng văn hóa, KCHT kỹ thuật là không gian xây dựng ngầm đô thị.

Thời điểm chốt số liệu kiểm kê là 0h ngày 01/01/2025.

Báo cáo về tiến độ thực hiện Tổng kiểm kê, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, đến ngày 18/12/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch triển khai Tổng kiểm kê tài sản công; đã rà soát pháp luật, khảo sát thực tế, xây dựng biểu mẫu, chỉ tiêu kiểm kê, xây dựng và ban hành phần mềm kiểm kê.

Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm kê thử nghiệm tại 2 bộ và 6 địa phương gồm: Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, Bắc Kạn, Quảng Ninh.

Bộ cũng tổ chức 3 hội nghị để tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm kê theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến cho tất cả các bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cử cán bộ trực tiếp tập huấn nghiệp vụ cho 34 bộ và cơ quan trung ương; 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương...

Trên cơ sở báo cáo của 45 bộ, cơ quan trung ương và 63 địa phương về việc triển khai công tác tổng kiểm kê tài sản công, Bộ Tài chính cho biết, đến nay đã có 44/45 bộ, cơ quan trung ương, 63/63 địa phương thành lập Ban chỉ đạo Tổng kiểm kê.

Toàn cảnh buổi họp báo chiều 18/12 (Ảnh: M.Minh)

Toàn cảnh buổi họp báo chiều 18/12 (Ảnh: M.Minh)

100% bộ, cơ quan trung ương, địa phương ban hành Kế hoạch triển khai Tổng kiểm kê của bộ, cơ quan trung ương, địa phương. 41/45 bộ, cơ quan trung ương, 63/63 địa phương đã hoàn thành triển khai tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

"Đến thời điểm hiện tại, việc triển khai của Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương cơ bản bảo đảm tiến độ theo Đề án 213 và kế hoạch do Bộ Tài chính ban hành", ông Thịnh nói.

Theo Đề án 213, đến ngày 31/12/2024 sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị phục vụ Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Đến ngày 31/3/2025 hoàn thành việc kiểm kê của các đối tượng thực hiện kiểm kê. Đến ngày 15/6/2025, các bộ, ngành, địa phương báo cáo về Bộ Tài chính và đến ngày 31/7/2025, Bộ Tài chính hoàn thành việc tổng hợp kết quả kiểm kê, xây dựng báo cáo tổng hợp về tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý trên phạm vi cả nước, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời báo chí về lý do có cuộc tổng kiểm kê quy mô lớn này, trong khi hàng năm đều đã kiểm kê định kỳ, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, theo quy định các đơn vị đều tiến hành kiểm kê tài sản công vào ngày 31/12 hàng năm để so sánh với sổ sách kế toán.

Tuy vậy, thực tế kiểm tra và hoạt động nghiệp vụ thường xuyên cho thấy việc hạch toán tài sản của các cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ, nhiều tài sản thuộc diện phải đánh giá lại (ví dụ quyền sử dụng đất) nhưng có đơn vị chưa thực hiện; có tài sản được cho/biếu/tặng lẽ ra phải hạch toán để xác lập sở hữu toàn dân nhưng cũng chưa được hạch toán...

Mặt khác, có nhóm tài sản hiện nay chưa có quy định về chế độ quản lý, sử dụng, khai thác dẫn đến bị hao mòn, trên hệ thống sổ sách của các cơ quan, đơn vị được giao xử lý hiện nay vẫn chưa có thông tin về tài sản.

"Thực trạng trên cho thấy quá trình tổng hợp số liệu về tài sản của các bộ, ngành, địa phương và của cả nước có những khó khăn, giá trị tài sản mà chúng ta thống kê chưa phản ánh đầy đủ, chính xác nguồn lực mà chúng ta có hiện nay", ông Thịnh nói và nhấn mạnh, việc tổng kiểm kê tài sản lần này nhằm thực hiện việc giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ vừa qua.

Cục trưởng Cục Quản lý công sản của Bộ Tài chính cho biết thêm, mục đích của tổng kiểm kê nhằm nắm được nguồn lực tài sản sản công, đánh giá công tác quản lý, sử dụng, hạch toán tài sản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và quan trọng hơn là đưa ra giải pháp quản lý, sử dụng và khai thác tốt hơn tài sản công với vai trò là nguồn lực của Nhà nước.

Tin bài liên quan