Sắp thông xe 2 đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành để giảm kẹt xe dịp Tết

0:00 / 0:00
0:00
Hai đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua tỉnh Đồng Nai và Long An sẽ đưa vào khai thác tạm để giảm tải kẹt xe trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Nút giao giữa cao tốc Bến Lức - Long Thành với cảng Phước An phía Đồng Nai. Ảnh: Lê Toàn

Nút giao giữa cao tốc Bến Lức - Long Thành với cảng Phước An phía Đồng Nai. Ảnh: Lê Toàn

Cục Đường bộ Việt Nam vừa ban hành quyết định phê duyệt phương án khai thác tạm 2 đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Đoạn đầu tiên đưa vào khai thác tạm dài 3,4 km thuộc địa phận tỉnh Long An, bao gồm cả nút giao với điểm đầu cao tốc TP.HCM - Trung Lương và nút giao của Dự án với Quốc lộ 1 tại Long An.

Còn đoạn khai thác tạm qua tỉnh Đồng Nai dài 6,1 km, bao gồm cả các nút giao giữa cao tốc Bến Lức - Long Thành với đường BOT 319 và nút giao tại điểm cuối dự án với Quốc lộ 51 tại huyện Long Thành.

Việc khai thác tạm 2 đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành nhằm kết nối các tuyến đường xung quanh để giảm tình trạng kẹt xe trong dịp Tết Nguyên đán 2025.

Về thời gian khai thác, Cục Đường bộ yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chủ trì, phối hợp với Khu Quản lý đường bộ IV chủ động điều chỉnh, bổ sung các hạng mục cần thiết trước khi đưa vào khai thác.

Trong thời gian khai tác tạm, khoảng cách an toàn giữa các xe tham gia giao thông phải bảo đảm 35 m đối với đoạn có tốc độ cho phép đến 60 km/giờ.

Thời gian thực hiện phương án tổ chức giao thông tạm áp dụng trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đưa vào khai thác.

Trường hợp cần gia hạn, trước khi đến thời điểm hết hạn ít nhất 20 ngày, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam, kèm theo đánh giá về tình hình trật tự, an toàn giao thông trong thời gian khai thác tạm, các giải pháp điều chỉnh, bổ sung.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, tổng chiều dài 57,8 km, trong đó, đoạn qua tỉnh Long An dài 2,7 km, TP.HCM dài 26,4 km và Đồng Nai dài 28,7 km.

Dự án được khởi công từ năm 2014, với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 29.586 tỷ đồng, trong đó vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 8.065 tỷ đồng, vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 10.101 tỷ đồng; vốn đối ứng từ ngân sách 3.872 tỷ đồng và vốn VEC tự thu xếp 7.547 tỷ đồng.

Do vướng mắc về thủ tục pháp lý nên Dự án bị chậm tiến độ. Hiện nay, nhiều gói thầu đang tăng tốc thi công để về đích vào tháng 9 năm nay.

Tin bài liên quan