Ngày 30/8, cổ phiếu BHS của Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (BHS) sẽ bị hủy niêm yết để thực hiện hoán đổi cổ phiếu SBT của Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh.
Theo đó, SBT sẽ phát hành thêm hơn 303,8 triệu cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phiếu BHS theo tỷ lệ 1:1,02. Cụ thể, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu BHS sẽ nhận được 1,02 cổ phiếu SBT phát hành thêm.
Được biết, ngày 13/7, SBT đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu để hoán đổi. Theo lộ trình mà SBT công bố, khoảng 2 tháng nữa, cổ phiếu phát hành thêm sẽ được niêm yết bổ sung trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Như vậy, sau khi niêm yết bổ sung, nếu cổ phiếu SBT duy trì được mức giá như hiện nay, hoặc cao hơn mức giá của BHS trước khi đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng (29/8), thì những nhà đầu tư mua cổ phiếu BHS với giá thấp hơn giá cổ phiếu SBT sẽ được hưởng lợi từ việc hoán đổi.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu BHS từ nay cho đến cuối tháng 8 cũng như giá cổ phiếu SBT từ nay cho tới khi cổ phiếu phát hành thêm được niêm yết bổ sung dự báo có biến động khó lường. Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu BHS sẽ phải “đặt cược” vào biến động giá của SBT trong khoảng thời gian bị “chôn vốn”.
Thực tế, từ khi có thông tin SBT và BHS sáp nhập, giá cổ phiếu của cả hai doanh nghiệp này biến động mạnh.
Cổ phiếu SBT trong những tháng đầu năm chủ yếu được giao dịch dưới ngưỡng 25.000 đồng/CP, nhưng từ giữa tháng 5 bắt đầu tăng, đạt hơn 41.000 đồng/CP vào đầu tháng 8, sau đó giảm xuống ngưỡng 29.000 đồng/CP.
Còn cổ phiếu BHS dao động trong khoảng 10.000 - 15.000 đồng/CP trong 4 tháng đầu năm, sau đó biến động trong vùng 20.000 - 26.000 đồng/CP, đáng chú ý là diễn biến giảm từ 23.100 đồng/CP ngày 2/8 xuống 18.900 đồng/CP ngày 9/8.
Sở dĩ SBT và BHS có đợt giảm giá mạnh trong những phiên đầu tháng 8 bởi trước đó đã có xu hướng tăng kéo dài, chỉ số P/E ở mức cao. Thời điểm BHS lập đỉnh 26.000 đồng/CP, P/E khoảng 16 lần; thời điểm SBT lập đỉnh 41.650 đồng/CP, P/E hơn 35 lần.
Sau khi giảm giá, P/E của SBT và BHS giảm theo. Theo một số phân tích, ở mức giá 29.000 đồng/CP, P/E 4 quý gần nhất của SBT là 24 lần, chưa phải là mức định giá hấp dẫn; ở mức giá 20.000 đồng/CP, P/E của BHS là gần 12 lần, hợp lý hơn, nhưng vẫn ở mức cao so với P/E của một số công ty khác trong ngành như LSS, SLS, có P/E 7 - 8 lần. Mặt khác, giá cổ phiếu SBT và BHS đều cao hơn nhiều giá trị sổ sách: SBT là 10.468 đồng/CP, BHS là 14.802 đồng/CP.
Do đó, dù giá cổ phiếu BHS đang thấp hơn SBT gần 9.000 đồng/CP, nhưng khoản lãi “tính cua trong lỗ” từ việc hoán đổi cổ phiếu khó có thể được hiện thực hóa, thậm chí nhà đầu tư có nguy cơ thua lỗ trong trường hợp giá cổ phiếu giảm mạnh.
Theo tính toán, SBT sau khi sáp nhập BHS có vốn điều lệ mới là 5.570 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 674 tỷ đồng. Tạm tính với mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% mà SBT đang có (không bao gồm thuế thu nhập hoãn lại), lợi nhuận sau thuế của SBT sau hợp nhất ước đạt 607 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 1.090 đồng/CP. Với mức giá 29.000 đồng/CP của SBT hiện tại, P/E dự phóng sau sáp nhập là 26,6 lần.
Tất nhiên, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào triển vọng tăng giá của cổ phiếu SBT sau sáp nhập, bởi năng lực sản xuất của Công ty sẽ được cải thiện đáng kể. Quy mô SBT dự kiến đạt 400 triệu USD, với vùng nguyên liệu tự chủ 49.000 ha, chiếm 16% diện tích trồng mía cả nước; sản lượng mía đạt 3,4 triệu tấn/năm, chiếm 22% sản lượng cả nước.
Ngoài ra, trên thị trường đang có đồn đoán rằng, SBT có kế hoạch chào bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài với giá 40.000 - 50.000 đồng/CP. Tuy nhiên, theo thông tin của Đầu tư Chứng khoán thì SBT chưa có kế hoạch cụ thể về việc này.