Mediplast lên kế hoạch sáp nhập vào Vinamed, với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:3

Mediplast lên kế hoạch sáp nhập vào Vinamed, với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:3

Sáp nhập Mediplast vào Vinamed: Cổ đông yêu cầu định giá tài sản

(ĐTCK) Đa số cổ đông của Công ty cổ phần Nhựa y tế Mediplast (Mediplast) không đồng thuận với phương án sáp nhập vào Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam (Vinamed) và yêu cầu phải tiến hành định giá tài sản để có cơ sở xác định tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu.

Vừa qua, Mediplast đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, trong đó có bàn nội dung sáp nhập vào Vinamed. Cho đến ngày họp, Ban lãnh đạo Mediplast vẫn chưa công bố cho các cổ đông phương án sáp nhập và những thông tin liên quan đến việc sáp nhập.

Các cổ đông không biết tại sao lại phải sáp nhập, mục đích sáp nhập là gì và việc sáp nhập sẽ diễn ra như thế nào. Cổ đông chỉ được biết, theo hợp đồng sáp nhập thì Mediplast sẽ chấm dứt sự tồn tại và tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:3 (1 cổ phiếu Mediplast đổi 3 cổ phiếu Vinamed).

Sau đó, Ban chủ tọa đã phải hoãn cuộc họp vì có quá nhiều ý kiến từ các cổ đông phản đối việc sáp nhập cũng như tỷ lệ chuyển đổi nói trên.

Về phía Vinamed, các cổ đông cũng nhận được thông báo của Tổng công ty qua điện thoại về việc hoãn cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, vốn được lên kế hoạch tổ chức chiều cùng ngày với Mediplast. Tiếp đó, Vinamed gửi tới cổ đông các tài liệu phục vụ cuộc họp, trong đó công bố thêm thông tin về việc sáp nhập.

Tương tự, Mediplast công bố thêm thông tin về phương án sáp nhập. Theo đó, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường sẽ được tổ chức vào ngày 26/5/2017. Mediplast sẽ bị sáp nhập vào Vinamed. Lý do và mục đích của việc sáp nhập là 2 công ty có địa bàn kinh doanh giống nhau, các công ty tuy hoạt động độc lập khác nhau nhưng có thành phần hội đồng quản trị, ban kiểm soát và nhà đầu tư lớn gần như nhau. Tỷ lệ quy đổi cổ phiếu giữ nguyên là 1:3.

Trước thông tin này, một số cổ đông của Mediplast cho biết, họ không đồng tình với việc sáp nhập vì Mediplast hiện là thương hiệu đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất bơm kim tiêm và dây truyền dịch dùng một lần. Nhà xưởng và điều kiện sản xuất của Công ty đạt tiêu chuẩn quốc tế, chất lượng sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ, liên tục.

Đặc biệt, sản phẩm bơm tiêm tự khóa dành cho tiêm chủng mở rộng của Công ty phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO (việc kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm được tiến hành hàng năm tại phòng kiểm tra chất lượng quốc tế của WHO ở nước ngoài).

Sản phẩm của Mediplast có uy tín trong ngành y tế và có mặt ở hầu hết các bệnh viện lớn, các chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong 3 năm gần đây, tỷ suất lợi nhuận/vốn điều lệ của Mediplast gấp 20 lần Vinamed.

Một số cổ đông vốn là cán bộ cũ của Mediplast bày tỏ tâm tư, để hình thành và phát triển như hiện nay, các thế hệ cán bộ, nhân viên Công ty đã đóng góp nhiều công sức, trí tuệ để nắm bắt công nghệ, chuyển giao và áp dụng các bằng sáng chế quốc tế của Anh quốc, từ đó sản xuất thành công các sản phẩm đặc chủng mang lại thương hiệu và lợi nhuận như hiện nay.

Những năm gần đây, Mediplast đều đạt mức lợi nhuận sau thuế xấp xỉ vốn điều lệ. Lợi nhuận sau thuế trung bình 3 năm 2014 - 2016 là 18 tỷ đồng/năm, trong khi vốn điều lệ là 16,5 tỷ đồng. Trong khi đó, Vinamed có vốn điều lệ 88 tỷ đồng, năm 2016 chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 4,8 tỷ đồng.

Chưa kể, Mediplast có các tài sản giá trị như lô đất 2.863 m2 tại mvặt phố Lương Đình Của (quận Đống Đa, Hà Nội), lô đất 13.719 m2 tại Khu công nghiệp Đại Đồng Hoàn Sơn (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), đều đã được cấp sổ đỏ.

Do đó, nhóm cổ đông Mediplast đề nghị, cần phải chứng minh thỏa đáng tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu. Công ty cần công bố giá trị tài sản vô hình và hữu hình của Mediplast là bao nhiêu, bao gồm giá trị thương hiệu, giá trị máy móc thiết bị, giá trị quyền sử dụng đất.

Theo nhóm cổ đông này, việc sáp nhập vào Vinamed không đem lại lợi ích cho sự phát triển của Mediplast khi Công ty đang hoạt động tốt, cơ cấu tổ chức hợp lý, đạt hiệu quả cao. Các cổ đông đòi hỏi Công ty phải xem xét cẩn trọng việc sáp nhập và yêu cầu định giá các tài sản của Mediplast một cách công khai, minh bạch.

Năm 2016, nhóm nhà đầu tư của ông Phạm Quang Huy và ông Đào Mạnh Hùng đã mua cổ phần, trở thành cổ đông lớn của Mediplast và Vinamed, sau đó nắm đa số ghế trong Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát 2 công ty này.

Tháng 10/2016, lãnh đạo Mediplast công bố, Vinamed đã mua thêm cổ phiếu từ hai nhà đầu tư cá nhân, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 69,32% vốn điều lệ. Ông Phạm Quang Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinamed trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị Mediplast. Một thành viên Hội đồng quản trị khác của Vinamed là ông Đỗ Thanh Tùng cũng trở thành thành viên Hội đồng quản trị Mediplast.

Đến cuối tháng 4/2017, tỷ lệ sở hữu của Vinamed giảm xuống 23,86% vốn điều lệ Mediplast, tức hơn 45% cổ phần Mediplast đã được sang tên.

Trong năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Mediplast là 15,7 tỷ đồng (năm 2015 đạt gần 20 tỷ đồng), tỷ lệ cổ tức 15% (năm 2015 là 30%).

Tin bài liên quan