Sáp nhập công ty kiểm toán, xu hướng tất yếu

(ĐTCK-online) Theo số liệu của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), tính đến tháng 3/2011, cả nước đã có 165 doanh nghiệp kiểm toán và dự kiến trong 10 năm tới, số lượng doanh nghiệp kiểm toán sẽ tăng lên 350. Tuy số lượng doanh nghiệp kiểm toán dự kiến sẽ tăng lên nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, xu hướng sáp nhập doanh nghiệp trong ngành sẽ diễn ra mạnh mẽ, nhất là thời điểm trước và sau khi Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực (1/1/2012).

Sáp nhập vì quá nhỏ

Theo số liệu từ Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam  (VACPA), năm 2010 có 8 công ty kiểm toán (CTKT) ngừng hoạt động kiểm toán hoặc giải thể do khó khăn về khách hàng, đặc biệt là khó khăn về lực lượng kiểm toán viên (KTV). Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn Thăng Long (Thang Long AC) nhận sáp nhập Công ty TNHH Kiểm toán và dịch vụ phần mềm TDK (TDK) và đổi tên thành Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn Thăng Long - TDK (Thăng Long - TDK). Đây là hai công ty có trụ sở tại TP. HCM và Hà Nội. Khi sáp nhập, TDK (cũ) trở thành chi nhánh của Thăng Long - TDK. Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn Đệ Nhất (FAC) nhận sáp nhập Công ty TNHH Tư vấn tài chính và kiểm toán Đông Phương (DPA), đổi tên thành Công ty TNHH Kiểm toán FAC. Công ty TNHH Kiểm toán Việt Anh (VietAnh) nhận sáp nhập Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn SUP (SUP). Sau khi sáp nhập, Việt Anh đã đủ điều kiện và được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận kiểm toán công ty niêm yết. Công ty TNHH Kiểm toán Sao Việt (SV) nhận sáp nhập Công ty TNHH Kiểm toán Quang Minh (QMC).

Theo kết quả kiểm tra thường niên các CTKT của VACPA và Bộ Tài chính, trong năm 2010, có 5/20 công ty có quy mô quá nhỏ, dưới 20 nhân viên (ACVietnam, SA, IAC, KTV, ATIC), 2 công ty có vốn điều lệ dưới 1 tỷ đồng (IAC: 200 triệu đồng, KTV: 250 triệu đồng). Có trường hợp công ty nhỏ không có chi nhánh nhưng cũng có chức danh tổng giám đốc. Một số CTKT, ban giám đốc chỉ có 1 thành viên là giám đốc công ty, do đó không thực hiện được việc luân chuyển người ký báo cáo đối với khách hàng trên 3 năm...

Kiểm toán là ngành cung cấp dịch vụ đặc thù nên vốn không phải là vấn đề lớn, nhưng câu chuyện làm các CTKT "đau đầu" nhiều năm qua là thiếu kiểm toán viên. Theo số liệu của VACPA, tính đến tháng 3/2011, cả nước có 2.044 người được cấp chứng chỉ kiểm KTV, tuy nhiên, số lượng KTV làm việc tại các CTKT chỉ có 1.264 người, bình quân mỗi công ty có 09 kiểm toán viên, bình quân 1 KTV phụ trách 24 khách hàng/năm; 1 KTV phụ trách 5 trợ lý KTV... Các thông số này tự hình thành và khá phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, so với nhu cầu kiểm toán ngày càng tăng và chất lượng KTV chưa đạt trình độ quốc tế thì số lượng KTV hiện có còn hạn chế. Trong những năm qua, thường có trên 10 công ty thành lập mới nhưng cũng có khoảng 10 công ty đã hoạt động nhưng không đủ điều kiện hành nghề kiểm toán do không đủ 3 KTV.

 

Sáp nhập chưa bền vững

Nói về nguyên nhân sáp nhập của các CTKT, ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký VACPA cho biết, việc sáp nhập của các đơn vị này nhằm tăng tính cạnh tranh và tăng quy mô để nâng cao chất lượng dịch vụ. Mặt khác, một số CTKT muốn kiểm toán doanh nghiệp niêm yết phải sáp nhập mới đủ số kiểm toán viên theo quy định (7 người).

Việc sáp nhập các CTKT không chỉ đáp ứng yêu cầu hoạt động hiện nay mà còn chuẩn bị cho tuân thủ Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực từ 1/1/2012. Theo Luật này, điều kiện để CTKT thành lập đi vào hoạt động phải có tối thiểu 5 KTV. Mặc dù các CTKT đã thành lập có một thời gian để chuẩn bị bù đắp số KTV còn thiếu nhưng trước tình hình tổ chức thi KTV còn ít như hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định, hoạt động sáp nhập giữa các CTKT trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh hơn.

Trên thực tế, việc sáp nhập giữa các CTKT hiện nay còn mang tính hình thức nhằm đáp ứng các quy định hiện hành. Do đó, việc sáp nhập chưa dẫn đến thay đổi về chất trong hoạt động của công ty. Chẳng hạn, hai công ty có trụ sở tại Hà Nội và TP. HCM, khi sáp nhập chỉ làm tăng quy mô nhằm đủ điều kiện kiểm toán các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư nước ngoài... Trên thực tế, công ty và chi nhánh vẫn làm việc độc lập, tự tìm kiếm khách hàng, tự trả lương. Giám đốc một CTKT cho biết, đây là kiểu sáp nhập không hòa tan nên khá dễ dàng. Tuy nhiên, họ cũng sẽ dễ chia tách nếu một trong các bên sáp nhập lớn mạnh hơn hoặc phát sinh mâu thuẫn lợi ích. Để có sự sáp nhập bền vững rất cần sự định hướng từ cơ quan quản lý và VACPA cũng như sự tìm hiểu kỹ càng giữa các doanh nghiệp trước khi sáp nhập.