Đây là thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) thứ tư giữa các công ty chứng khoán tính đến thời điểm này.
Trước đó, trong năm 2013, thị trường chứng khoán đã được chứng kiến thương vụ sáp nhập đầu tiên giữa Công ty Chứng khoán VIT (VITS) và Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS).
Tiếp đó, năm 2014 cũng chỉ có một cuộc hôn phối trong ngành chứng khoán, đó là thương vụ sáp nhập giữa Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) và Công ty cổ phần Chứng khoán Đại Tây Dương (OSC).
Cuộc lương duyên giữa Phú Hưng và An Thành được coi là thương vụ đánh dấu năm “thu hoạch” nhất trong lĩnh vực M&A ngành chứng khoán, bởi đây là năm đầu tiên có 2 thương vụ M&A trở lên.
Khác với các cuộc hôn phối khác, An Thành về với Phú Hưng trong một vị thế khá chênh lệch về tương quan lực lượng, do vậy, sự ra đi của An Thành là chưa đủ để Phú Hưng có thể tạo ra một diện mạo mới.
Trước đó, một cặp đôi khác cũng về chung một nhà trong năm 2015 là Công ty cổ phần Chứng khoán Hải Phòng (HPC) và Công ty cổ phần Chứng khoán Á Âu (AAS).
Trở lại câu chuyện sáp nhập giữa Phú Hưng và An Thành. Khác với các cuộc hôn phối khác, An Thành về với Phú Hưng trong một vị thế khá chênh lệch về tương quan lực lượng, do vậy, sự ra đi của An Thành là chưa đủ để Phú Hưng có thể tạo ra một diện mạo mới.
Cụ thể, trước thời điểm sáp nhập, vốn điều lệ của Công ty Chứng khoán Phú Hưng là 347 tỷ đồng, trong khi vốn của An Thành chỉ khiêm tốn ở mức 41 tỷ đồng.
Ông Phạm Ngọc Phú, nguyên Tổng giám đốc Chứng khoán An Thành cho biết, về cơ bản, thương vụ cũng khá đơn giản, gần như chỉ là các cổ đông An Thành bán cổ phần và rút vốn, nhường quyền quản lý cho các cổ đông mới.
Sau khi hợp nhất, vốn điều lệ của Công ty sẽ bằng giá trị tài sản thuần của Phú Hưng và giá trị tài sản thuần của An Thành đã được Công ty TNHH Kiểm toán KPMG kiểm toán, với con số cụ thể là gần 203 tỷ đồng.
Giá trị tài sản thuần của từng bên được tính là chênh lệch giữa tổng tài sản với tổng nợ phải trả. Tổng số lượng cổ phần của công ty hợp nhất là 20.258.507 cổ phần, tương ứng với tổng vốn gần 203 tỷ đồng. Trong đó, cổ phần của Phú Hưng và An Thành tương ứng trong công ty hợp nhất là 16.743.779 cổ phần và 3.514.728 cổ phần. Dựa trên cơ sở này, cổ đông Phú Hưng sở hữu 1 cổ phần sẽ nhận được 0,4819 cổ phần công ty hợp nhất và cổ đông An Thành sở hữu 1 cổ phần sẽ nhận được 0,8572 cổ phần hợp nhất.
Như vậy, vốn điều lệ của Công ty Chứng khoán Phú Hưng mới sau khi sáp nhập vẫn bị tụt khá xa so với vốn ban đầu của Phú Hưng. Điều này cũng không có gì khó hiểu, bởi tính tại thời điểm sáp nhập, Phú Hưng đã bị hao hụt khá nhiều so với vốn đầu tư ban đầu.
Cụ thể, vốn điều lệ của Phú Hưng là 347 tỷ đồng, nhưng sau một thời gian vật lộn với sự khắc nghiệt của thị trường, giá trị vốn chủ sở hữu của Phú Hưng chỉ còn phân nửa, với con số tính đến ngày 39/9/2015 là 167 tỷ đồng.
Các con số tài chính cho thấy, trong thương vụ sáp nhập này, ngay cả công ty trụ cột trong cuộc hôn phối cũng không được khỏe mạnh cho lắm. Trong quý III/2015, Phú Hưng bị lỗ gần 8,9 tỷ đồng, so với mức lỗ hơn 2 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, mức lỗ của Phú Hưng đã lên tới hơn 15,5 tỷ đồng.
Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn trong kinh doanh, nhưng Phú Hưng vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào vụ sáp nhập với An Thành. Xét về quy mô vốn, An Thành không có tầm vóc gì đáng kể, nhưng công ty này trong thời gian trước sáp nhập cũng nắm trong tay một lượng khách hàng nhất định.
Khi 2 công ty chứng khoán sáp nhập, với việc tinh giản bộ máy, Chứng khoán Phú Hưng sau sáp nhập sẽ giảm đáng kể một số khoản chi phí quản lý. Do đó, Phú Hưng sau sáp nhập đã mạnh dạn đặt mục tiêu doanh thu năm 2016 đạt 91 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 16 tỷ đồng.