Sáp nhập các địa phương: Không phân lẻ đô thị thuộc tỉnh thành các phường

0:00 / 0:00
0:00
Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua Đề án Sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã.
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó trưởng ban, Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó trưởng ban, Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

“Kỳ họp thứ chín của Quốc hội sẽ sửa đổi Hiến pháp 2013 để hiến định tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh và cấp xã. Đây là bước đột phá để đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó trưởng ban, Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận định.

Theo ông, đây là thời điểm thích hợp để thực hiện tổ chức lại bộ máy chính quyền địa phương các cấp?

Tổ chức bộ máy chính quyền địa phương nước ta đã nhiều lần tách - nhập, nhập - tách đều có lý do và được phân tích, mổ xẻ rất kỹ trước khi thực hiện, bởi đây không đơn thuần là phép cộng - chia giữa các địa phương, mà ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quản lý nhà nước trên địa bàn.

Sau 8 năm triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đây coi như là việc sắp xếp thí điểm, qua thí điểm cho thấy, việc tinh gọn bộ máy của hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội được đổi mới; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường.

Nhưng nếu chỉ sắp xếp “nhỏ lẻ”, thì tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh mới. Vì vậy, Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 đã thông qua rất nhiều nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự phát triển của đất nước trong thời gian tới, trong đó có Đề án Sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã.

Như vậy, bộ máy quản lý nhà nước sẽ chỉ còn 3 cấp (không kể cấp tổ dân phố, thôn xóm). Thưa ông, trên thế giới, tổ chức bộ máy nhà nước được phân chia thế nào?

Việc bỏ cấp hành chính trung gian là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm cải thiện hiệu quả hành chính. Có thể nói, mô hình chính quyền 3 cấp khá phổ biến trên thế giới hiện nay, tuy nhiên, mỗi nước có cách tiếp cận khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm của từng quốc gia, từng địa phương và ở từng giai đoạn phát triển nhất định.

Nhìn chung, trên thế giới, ngoài cấp trung ương, thì địa phương chỉ có 2 cấp là cấp tỉnh (bang) và cấp cơ sở (vùng, khu, xã, phường...) như Nhật Bản, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Indonesia... Việc giảm bớt một cấp chính quyền (cấp quận, huyện) giúp bộ máy hành chính giảm tầng nấc trung gian, việc chỉ đạo, điều hành có thể được thực hiện trực tiếp từ khu vực xuống cơ sở, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, đẩy nhanh quá trình ra quyết định và thực thi chính sách.

Ngoài ra, điều dễ nhận thấy nhất, việc bỏ bớt một cấp chính quyền giúp tiết kiệm đáng kể ngân sách phải nuôi bộ máy hành chính cồng kềnh, từ đó có thể tập trung nguồn lực cho các dự án phát triển địa phương. Với Việt Nam, việc bỏ cấp huyện còn tiết giảm rất nhiều chi phí, bởi ở cấp huyện, bên cạnh bộ máy hành chính, còn có đầy đủ các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội như tổ chức Đảng, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, hội nông dân...

Đảng quyết tâm, nhân dân đồng thuận, nhưng nhiều người băn khoăn, nếu xóa bỏ các đô thị (thành phố, thị xã) thuộc tỉnh, thì việc quản lý nhà nước, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân bị tác động?

Hiện tại, nước ta có 53 thị xã, 84 thành phố thuộc tỉnh và 2 thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương với quy mô và trình độ phát triển khác nhau, đã được hình thành lâu năm trong quá trình giao thương, đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, theo quy luật tự nhiên, theo nhu cầu phát triển khách quan và theo quy hoạch của Nhà nước.

Thành phố thuộc tỉnh là tỉnh lỵ (thủ phủ), là trung tâm, động lực phát triển quan trọng và có tính lan tỏa lớn của các địa phương, thậm chí là của các vùng như TP. Thái Nguyên, Nam Định, Vinh, Biên Hòa, Thanh Hóa, Vĩnh Yên... Cùng với 6 thành phố trực thuộc Trung ương, các đô thị trực thuộc tỉnh đóng góp khoảng 70% GDP của cả nước.

Năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam với mục tiêu, đến năm 2030 có khoảng 1.000 - 1.200 đô thị; hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; đóng góp khoảng 85% GDP cả nước.

Vì vậy, nếu giải thể các đô thị (cấp huyện), chắc chắn sẽ tác động không thuận đến mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước đạt 8% trở lên năm 2025 và 2 con số trong các năm tiếp theo, cũng như các mục tiêu khác đã được đặt ra trong Nghị quyết 06-NQ/TW. Đây là những trăn trở của rất nhiều người, trong đó có tôi.

Vấn đề này, theo ông, nên giải quyết thế nào?

Nghị quyết 60-NQ/TW đã mở đường để Quốc hội nghiên cứu và sửa đổi Hiến pháp năm 2013 trong Kỳ họp thứ chín dự kiến khai mạc vào ngày 5/5/2025. Nghị quyết 60-NQ/TW đã quy định, về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh và cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố). Sau sáp nhập, cả nước còn 34 đơn vị cấp tỉnh, giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã.

Cần lưu ý, cấp xã không chỉ là xã, phường, mà còn có đặc khu trực thuộc cấp tỉnh. Đặc khu ở đây có thể hiểu là các đô thị thuộc tỉnh, tức là không xé lẻ các thành phố Vinh, Nam Định, Hội An, Vũng Tàu, Nha Trang, Thủ Đức... thành các phường và xóa bỏ các thành phố hiện hữu, mà các thành phố này (đặc khu thuộc cấp tỉnh) về tổ chức đơn vị hành chính thì ngang cấp xã.

Tôi cho rằng, đây là tổ chức bộ máy phù hợp với Việt Nam và trên thế giới, các nước tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp cũng không xóa bỏ thành phố thuộc bang, tỉnh, thậm chí có nhiều thành phố có dân số hàng triệu người như Los Angeles thuộc bang California, Chicago (Illinois), Houston (Texas), Phoenix (Arizona), Detroit (Michigan), New York (New York)... của Hoa Kỳ.

Các thành phố của Pháp như Nice, Marseille, Lyon, Toulouse...; hay của Nhật Bản như Osaka, Kobe, Kawasaki, Kyoto, Fukuoka, Nagoya... cũng đều là đơn vị hành chính cấp cơ sở.

Có nghĩa là vẫn giữ các đô thị thuộc tỉnh như hiện nay và được xếp ngang với cấp xã về tổ chức, nhưng có cơ chế đặc thù, thưa ông?

Chúng ta cũng nghiên cứu để xây dựng chính quyền cấp cơ sở là các đô thị theo mô hình của các nước trên thế giới, tức là ở dưới cơ sở, bên cạnh cấp xã là các đô thị thuộc tỉnh. Bởi đô thị là thực thể thống nhất, có thể chế quản trị thống nhất, không thể tách rời về hạ tầng, nhất là giao thông, cấp thoát nước, đường điện, đường cáp, có các khu dân cư tập trung và các khu chức năng chung được quy hoạch và quản lý tập trung, thống nhất bởi chính quyền đô thị thuộc tỉnh, mà không thể phân mảnh thành các phường độc lập để quản lý như các xã ở nông thôn được.

Giả xử phân mảnh đô thị thuộc tỉnh thành các phường, cho dù sáp nhập 3-4 phường thành một phường lớn hơn, vẫn tạo ra khó khăn rất lớn trong quản trị đô thị. Bởi khác với xã nông thôn, đô thị có nhiều việc đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao và chuyên sâu, không thể phân cấp, phân quyền mạnh cho chính quyền phường được; nhiều việc đòi hỏi phải có sự điều phối, kết nối giữa các phường liền kề… buộc phải đẩy lên chính quyền cấp tỉnh. Đó là chưa kể, có những khu chức năng chung của đô thị như khu văn hóa, thể thao, khu xử lý rác thải, nhà tang lễ… không thể đẩy lên cấp tỉnh để xử lý, mà phải xử lý ở cấp cơ sở.

Tin bài liên quan